Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông sản an toàn về Hà Nội: Dòng chảy đã được khơi thông

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng ngàn dòng nông sản thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ từ các tỉnh, TP được đưa về phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, là kết quả của chương trình hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, TP sau một năm tất bật triển khai các hoạt động.

Miệt mài kết nối

Sự hợp tác giữa ngành nông nghiệp Hà Nội và các tỉnh, TP đã được triển khai từ nhiều năm qua, song phải tới năm 2016 mới thực sự để lại nhiều dấu ấn với hàng loạt các chuyến xúc tiến thương mại, ký kết biên bản ghi nhớ. Đặc biệt, đây cũng là năm hoạt động của Ban Điều phối chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội dưới vai trò chủ trì của Bộ NN&PTNT được vận hành khá nhịp nhàng. Sở NN&PTNT các tỉnh, TP thành viên của Ban Điều phối đã tích cực chỉ đạo xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất nông sản an toàn cung cấp cho Hà Nội. Đơn cử như Sơn La hình thành chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn VietGAP 154ha, Vĩnh Phúc xây dựng 12 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP…

Nông sản Sơn La được giới thiệu và bán tại Hà Nội. Ảnh: Quang Thiện

Thông qua đó, những nhịp cầu nông sản dần dần được thiết lập, kết nối từ các vùng miền về Thủ đô. Báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, trong năm 2016, đã có hàng chục nghìn tấn rau, thịt, trứng, sữa, thủy hải sản các loại và nhiều sản phẩm củ, quả khác được đưa từ các tỉnh về tiêu thụ tại thị trường Thủ đô. Trong đó, tiêu biểu như Sơn La đưa về Hà Nội hơn 4.000 tấn nông sản các loại gồm rau an toàn, mận, mật ong, thịt lợn. Hay như tỉnh Tuyên Quang đưa về hơn 100 tấn cam Sành, 1 tấn chè Bát Tiên…

Đáng chú ý, nhờ được kết nối của cơ quan quản lý Nhà nước, có trên 50 hợp đồng liên kết cung cấp sản phẩm và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giữa DN của Hà Nội và các tỉnh, TP đã được ký kết, tạo tiền đề vững chắc cho chương trình hợp tác. Giám đốc Sở NN&PTNT Sơn La Hà Quyết Nghị đánh giá, hoạt động của Ban Điều phối rất hiệu quả và mang lại lợi ích cho cả các bên liên quan. TP Hà Nội có nguồn cung cấp thực phẩm sạch dồi dào, còn đối với các tỉnh, TP khác thì tiêu thụ được đầu ra cho nông sản. Như Sơn La, trong năm 2014 mới tiêu thụ được 3.000 tấn nông sản vào Hà Nội thì đến nay đã tăng 8.000 tấn.

Hợp tác bền chặt

Có thể nói, việc cơ quan quản lý Nhà nước đứng ra làm “bà mối” kết nối trực tiếp các DN phân phối thực phẩm sạch của Hà Nội với DN, HTX, cơ sở sản xuất của các địa phương là một cách làm đúng đắn và thiết thực. Nhờ cách làm này, hoạt động của Ban Điều phối chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội cũng đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, số lượng rau, thịt cung cấp cho Hà Nội được quản lý thông qua thỏa thuận hợp tác còn hạn chế. Hiện nay, Sở NN&PTNT một số tỉnh, TP trong Ban Điều phối vẫn chưa chủ động cung cấp thông tin về các mặt hàng nông sản, sản lượng để phía cơ quan quản lý và DN Hà Nội xây dựng kế hoạch kinh doanh trong năm.

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trước nhu cầu tiêu dùng sản phẩm ngày càng đa dạng và yêu cầu chất lượng cao của người dân, việc hợp tác, xây dựng chuỗi liên kết nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành là rất cần thiết. Hiện nay, ngành nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng thành công hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho 550 dòng sản phẩm nông sản an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ của TP và các tỉnh, thành. Ông Mỹ đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, TP tiếp tục hợp tác chặt chẽ, kết nối mở rộng các dòng nông sản an toàn về cung cấp cho thị trường Thủ đô, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Đánh giá cao kết quả hoạt động của Ban Điều phối chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt cho Hà Nội, ông Phùng Hữu Hào – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm mang đến cho người tiêu dùng Thủ đô những sản phẩm an toàn. Chính vì vậy, theo ông Hào, thời gian tới Hà Nội và các tỉnh, TP cần tiếp tục duy trì tốt hoạt động của chương trình này.