Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông sản chật vật vào siêu thị

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nông dân, hợp tác xã (HTX) thiếu thông tin thị trường, DN yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, người sản xuất và nhà phân phối chưa tìm được tiếng nói chung trong chia sẻ lợi ích – rủi ro là những rào cản khiến nông sản vẫn chật vật vào chuỗi bán lẻ hiện đại.

Nhiều sản phẩm nông sản của Hà Nội được giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ. Ảnh: Ánh Ngọc
Thiếu thông tin thị trường
Là hộ nuôi cá rô đầu vuông quy mô lớn nhất huyện Ứng Hòa, trung bình mỗi năm, hộ ông Đặng Văn Quý, ở xã Đội Bình xuất bán ra thị trường hàng trăm tấn cá thông qua kênh truyền thống với mức tiêu thụ khoảng 10 tấn cá/ngày. Để tiêu thụ thuận lợi, ông Quý đầu tư 8 chiếc ô tô vận chuyển cá đến các nhà hàng trên địa bàn TP. Ông Quý chia sẻ: “Điều khiến tôi băn khoăn là làm thế nào để sản phẩm thâm nhập được vào các hệ thống siêu thị lớn trong nội thành? Như vậy, sản phẩm cá rô đầu vuông mới được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ ổn định, bền vững”. Còn theo Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên, mặc dù đã xây dựng được thương hiệu Gạo thơm Bối Khê, song HTX vẫn loay hoay để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm gạo. "Chúng tôi đã làm việc với một số siêu thị nhưng DN thu mua với giá thấp, số lượng ít, không đủ kinh phí cho việc vận chuyển, công sản xuất của bà con xã viên" - ông Kiên nói.
Thực tế cho thấy, đây là những khó khăn chung mà nhiều HTX đang gặp phải. Việc đưa hàng hóa vào siêu thị phải trải qua nhiều quy trình, trong đó khâu hoàn thiện hồ sơ ban đầu có vai trò quyết định. Mặc dù HTX có đầy đủ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng nếu không đáp ứng được yêu cầu về thủ tục hồ sơ thì vẫn không thể đưa hàng vào siêu thị.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, hiện nay tỷ lệ nông sản vào các hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm chưa đến 10%. Nguyên nhân do các HTX thiếu thông tin về nhu cầu của các siêu thị, nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong khi quy định đầu tiên của siêu thị là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục, pháp nhân để giao dịch, mua bán. Do đó, hai bên chưa tìm được tiếng nói chung trong việc phân phối nông sản.
Tăng cường liên kết
Nhằm giải quyết những bất cập cũng như tăng cường kết nối cung - cầu, nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần thực hiện các giải pháp mang tính chiến lược như: Chú trọng quy hoạch vùng sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, liên kết chuỗi; hỗ trợ nông dân thông tin về nhu cầu của DN; thiết lập sàn thương mại điện tử cho hàng nông sản, tạo điều kiện cho DN phân phối và nhà sản xuất kết nối, ký kết hợp đồng... Đặc biệt, TP cần quan tâm hỗ trợ tổ chức kết nối cung - cầu giữa nhà sản xuất với DN phân phối, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để ổn định đầu ra cho các mặt hàng nông sản, Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm ở những cơ sở sản xuất an toàn nhằm minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, Sở đẩy mạnh hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật để sản xuất theo hướng an toàn, cũng như các thủ tục cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm bảo đảm đủ các điều kiện đưa nông sản vào siêu thị theo yêu cầu của nhà phân phối. “Các địa phương cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất và phân phối sản phẩm nhằm giảm chi phí trong sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa nông sản. Quan trọng nhất là các HTX, người sản xuất phải thay đổi cả về hình thức canh tác lẫn tư duy sản xuất hàng hóa để bảo đảm các điều kiện tối thiểu của siêu thị” - ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Ngoài các loại giấy tờ, thủ tục theo quy định, siêu thị còn kiểm tra, đánh giá thực tế cơ sở sản xuất mới quyết định ký hợp đồng với nhà sản xuất. Khi nhập sản phẩm, siêu thị test nhanh tại chỗ, nếu sản phẩm dương tính với các chỉ số vượt ngưỡng an toàn thì sẽ chấm dứt hợp đồng. Do đó, nông dân, HTX cần đặc biệt lưu ý vấn đề sản xuất an toàn song song với chất lượng đồng đều.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu