Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông sản “quá lứa, lỡ thì” vì dịch

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều loại nông sản tới thời kỳ thu hoạch nhưng không có người mua hoặc phải bán với giá rẻ như cho. Tuy nhiên, người dân vẫn cố gắng duy trì sản xuất, mong đón cơ hội khi dịch đi qua.

Mỗi sào trồng hoa, người dân Tây Tựu đang phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng. Ảnh: Phương Nga
Ế ẩm, mất giá
Vựa hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) đang vào độ thu hoạch rộ với đủ các loại hoa từ ly, cúc, hồng, loa kèn… Tuy nhiên, trái với vẻ rực rỡ của những ruộng hoa là vẻ mặt sầu não của người nông dân. Vừa cắt bỏ hơn 2 sào ly quá lứa, chị Phạm Thị Loan, ở tổ dân phố Hạ 11, phường Tây Tựu ngậm ngùi cho biết, trước đây, đến kỳ thu hoạch là thương lái đến tận vườn thu mua. Tuy nhiên hiện nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thương lái từ các tỉnh không về nhập hàng nữa. Để bán được hàng, người dân Tây Tựu đành xoay xở bán lẻ hoặc rao bán trên mạng nhưng số lượng không được nhiều.
Hiện, khả năng sản xuất của Hà Nội mới cơ bản đáp ứng được một phần nhu cầu. Trong đó, gạo chỉ đáp ứng khoảng 35%; thịt bò chỉ đáp ứng khoảng 15%; thủy hải sản đáp ứng 5%; trứng gia cầm đáp ứng 66%; thực phẩm chế biến đáp ứng 25%; rau củ đáp ứng được 65%... Do đó, tiềm năng thị trường đối với nông sản của Thủ đô còn rất lớn.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ
Tương tự, hộ anh Nguyễn Tự Vinh, tổ dân phố Hạ 11, phường Tây Tựu cũng đang khóc dở, mếu dở vì hoa. Anh Vinh cho biết, giá hoa hiện nay chỉ bằng 1/3 so với mọi năm. Cụ thể, hoa cúc vàng xuất tại vườn có giá 40.000 – 50.000 đồng/bó 50 bông; còn giá hoa ly chỉ từ 50.000 đồng/bó 10 cành. Loại ly to đẹp nhất có giá chưa đến 100.000 đồng/bó. Trong khi tiền giống hoa đã rơi vào 13.000 đồng/củ. Như vậy, chỉ tính riêng tiền giống, người dân đã lỗ 3.000 đồng/cành. Đó là chưa kể chi phí, công sức chăm sóc hơn 2 tháng ròng. “Nhà tôi có kho lạnh nhưng hoa bảo quản lạnh chỉ giữ được khoảng 1 tuần và chất lượng giảm. Chi phí cũng khá tốn kém, “1 tiền gà, 3 tiền thóc” nên tôi chọn cách cắt bỏ ngay tại ruộng. Với hơn 1 vạn cành hoa ly, thiệt hại khoảng 45 triệu đồng” – anh Vinh cho hay.
Không riêng gì các hộ trồng hoa, nhiều loại nông sản khác như rau, củ, gia súc, gia cầm… cũng cùng chung cảnh ngộ, bởi các nhà hàng đồng loạt đóng cửa khiến các loại nông sản này mất hẳn kênh phân phối. Hộ anh Đồng Văn Đạt ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức chuyên chăn nuôi các con đặc sản như nhím, dê, thỏ, gà tây… Những loài vật này chủ yếu được cung cấp cho các nhà hàng. Do không bán được hàng, anh Đạt bất đắc dĩ phải thịt một phần rồi rao bán trên mạng, còn lại đành nuôi thành con giống cho sinh sản.
Tăng tốc khi dịch đi qua
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại các vùng sản xuất trên địa bàn Hà Nội, người dân vẫn đang duy trì sản xuất. Tất cả đều hy vọng sẽ đón được cơ hội thời hậu dịch Covid-19. Hộ anh Nguyễn Văn Tuyền, thôn Kỳ Viên, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ vừa vào đàn hơn 2.000 vịt giống, dù trước đó thua lỗ nặng vì giá vịt xuống thấp. “Khi dịch đi qua, hoạt động buôn bán, kinh doanh lại quay trở lại quỹ đạo bình thường, nhu cầu về thực phẩm sẽ tăng trở lại. Do đó, tôi cố gắng tái đàn mong bù lại những thiệt hại trong thời gian dịch bệnh hoành hành” – anh Tuyền bày tỏ.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, tình trạng một số loại nông sản mất giá và khó tiêu thụ trong thời gian vừa qua, một phần ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng một phần là do hệ lụy của việc sản xuất manh mún, người dân thường bị động khi xảy ra dịch bệnh. Trên thực tế, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng các chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm trên địa bàn Hà Nội vẫn tăng trưởng khá trong thời gian qua. Đợt dịch này chính là phép thử để người dân nhìn nhận lại phương thức canh tác của mình.
Theo ông Mỹ, thời gian tới, ngành nông nghiệp còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Do đó, phải chuẩn bị các kịch bản để sẵn sàng tăng tốc sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo đó, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Mỗi sào trồng hoa, người dân Tây Tựu đang phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng