Thực tế, nếu không có truy xuất nguồn gốc thì dưa hấu phải xuất theo đường tiểu ngạch, rủi ro cho người nông dân là rất lớn. Việc truy xuất nguồn gốc này được thực hiện thông qua quy định yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan nước này.
Cũng theo quy định từ phía Trung Quốc thì hiện nay các loại nông sản muốn xuất qua Trung Quốc đều phải dán tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm, trong đó có dưa hấu.
Được biết, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn việc ghi nhãn xuất xứ trên hàng hóa xuất khẩu. Cụ thể, trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam yêu cầu ghi nhãn hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa và chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa được thực hiện theo hợp đồng.
Tuy nhiên, những yêu cầu này không làm sai lệch bản chất của hàng hóa, không vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nhập khẩu.
Ngoài quy định phải dán tem truy xuất nguồn gốc, Trung Quốc cũng yêu cầu trong quá trình vận chuyển dưa hấu và các loại trái cây khác phải thay đổi vật liệu đệm lót bằng các chất liệu không gây hại, không có sinh vật truyền nhiễm. Việt Nam thường sử dụng rơm làm đệm lót, nhưng đây là vật liệu không được phép sử dụng…
Cũng theo Quy định tại khoản 2, điều 1 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa thì “Hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa”. Đối tượng áp dụng nghị định là: Tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam; tổ chức cá nhân nhập khẩu hàng hóa; cơ quan nhà nước và tổ chức cá nhân có liên quan.