Nông thôn mới Gia Lâm đã sẵn sàng lên quận

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về Gia Lâm những ngày này, không khó để nhận ra sự thay đổi trong từng lĩnh vực, nếp sống của người dân. Đường làng sạch sẽ, khang trang; hoa nở bốn mùa.

Nông dân ngồi nhà làm thủ tục hành chính qua internet; người bán hàng thanh toán tiền qua điện thoại... Từ Dương Xá đến Phù Đổng, Bát Tràng, những điểm di tích,  thăm quan đều tấp nập du khách đến thăm. Nông thôn mới (NTM) Gia Lâm đã thay đổi từ những gì nhỏ nhất, một phong cách đô thị đang dần được khẳng định.

Tấp nập về đích

Thực hiện Chương trình số 12-CTr/HU của Huyện uỷ Gia Lâm về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu và đầu tư, xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận, giai đoạn 2020 - 2025”, năm 2022, UBND huyện Gia Lâm đã xây dựng các kế hoạch và văn bản thực hiện theo quy định của T.Ư và TP.

Đồng thời, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền đến các ngành, các cấp và toàn thể Nhân dân về việc thực hiện 19 tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; 31 tiêu chí theo tiêu chuẩn của quận và 18 tiêu chí theo tiêu chuẩn của phường…

Đường làng ngõ xóm xã NTM kiểu mẫu Dương Xá. Ảnh Mai Nguyễn
Đường làng ngõ xóm xã NTM kiểu mẫu Dương Xá. Ảnh Mai Nguyễn

Bằng sự quan tâm chỉ đạo tích cực từ UBND huyện và các cấp, ngành cùng sự vào cuộc quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể và Nhân dân các xã trên địa bàn, đến thời điểm này, công tác xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của huyện đã thành công. Công tác xây dựng huyện thành quận, xã thành phường đã đạt những kết quả tích cực.

Đối với 8 xã xây dựng NTM nâng cao theo kế hoạch gồm Đa Tốn, Ninh Hiệp, Văn Đức, Dương Hà, Kim Lan, Phú Thị, Lệ Chi, Kiêu Kỵ, đến thời điểm này, qua rà soát đều đạt từ 13 - 17/19 tiêu chí NTM nâng cao theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, các tiêu chí còn lại đều cơ bản đạt, không có tiêu chí chưa đạt. Đối với 3 xã xây dựng NTM kiểu mẫu gồm Phù Đổng, Dương Xá, Cổ Bi, qua rà soát chấm điểm, cả 3/3 xã đều đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu, trong đó có 2 tiêu chí bắt buộc là thu nhập bình quân đầu người cao hơn 10% so với mức thu nhập bình quân đầu người của xã NTM nâng cao cùng thời điểm và có mô hình “Thôn thông minh” (xã Phù Đổng là thôn Phù Đổng 2; xã Dương Xá là thôn Thuận Quang; xã Cổ Bi là thôn Hội).

Cụ thể, để xây dựng NTM kiểu mẫu, xã Dương Xá chọn xây dựng trên 3 lĩnh vực: Y tế, văn hóa, du lịch. Hiện tại, xã đã có điểm du lịch Dương Xá được UBND TP Hà Nội công nhận; 6 di tích đình, chùa ở 6 thôn và đền, chùa Bà Tấm (Nguyên phi Ỷ Lan) được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1996. Các điểm du lịch và di tích trên địa bàn xã luôn được quan tâm đầu tư tôn tạo; hạ tầng, dịch vụ được đầu tư xây dựng, bảo đảm phục vụ du khách... Xã Cổ Bi đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu trên trên 2 lĩnh vực văn hóa và giáo dục đào tạo. Hiện tại, Cổ Bi đã có 5/5 trường học các cấp đạt chuẩn Quốc gia (trong đó có 4 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2) và có Trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn theo quy định; các thôn đều có nhà văn hóa đạt chuẩn, các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao hoạt động thường xuyên, hiệu quả... Qua đánh giá chấm điểm, cả hai xã Dương Xá và Cổ Bi đều đạt NTM kiểu mẫu với số điểm trên 90/100.

Đặc biệt, tiêu biểu phải kể đến mô hình NTM kiểu mẫu của xã Phù Đổng. Theo lãnh đạo xã Phù Đổng, thế mạnh của xã là có điểm du lịch được UBND TP Hà Nội công nhận năm 2021, trong đó có di tích lịch sử đền Phù Đổng đã được công nhận "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Bên cạnh đó, xã đã được UBND TP công nhận “Làng nghề hoa giấy Phù Đổng” với nhiều hộ gia đình, DN có mô hình kinh doanh du lịch trải nghiệm. Vì thế, xã đã chọn xây dựng NTM kiểu mẫu trên 2 lĩnh vực là du lịch và văn hóa. Với sự vào cuộc tích cực của Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể và người dân địa phương, đến nay mô hình NTM kiểu mẫu của xã Phù Đổng đã thành công, được đánh giá chấm điểm 100/100. Năm 2022, lượng khách thăm quan, du lịch đến với Phù Đổng ước đạt trên 70.000 người…

Tại thời điểm cuối năm 2022, qua kiểm tra thực tế tại cơ sở, Đoàn thẩm định NTM TP Hà Nội đã đánh giá, 11 xã trên địa bàn huyện Gia Lâm đều đạt kết quả rất rõ nét trong thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu. Theo đó, Đoàn thẩm định NTM TP Hà Nội đã thống nhất hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP xem xét công nhận 11 xã NTM nâng cao và kiểu mẫu của huyện Gia Lâm.

Tích cực hoàn thiện tiêu chí huyện thành quận, xã thành phường

Cùng với kết quả tích cực trong công tác xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, năm 2022, công tác xây dựng huyện thành quận, xã thành phường của huyện Gia Lâm tiếp tục đạt được các mục tiêu đề ra. Đến thời điểm này, qua rà soát đánh giá, huyện Gia Lâm đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện thành quận, cụ thể: Huyện đã đạt 28/31 tiêu chí lên quận; chỉ còn 3 tiêu chí chưa đạt. Đối với tiêu chí xã thành phường, đã có 8/18 tiêu chí đạt; 8/18 tiêu chí chưa đạt. Ngoài ra, huyện có 2/22 xã, thị trấn đáp ứng tiêu chuẩn thành phường là xã Đa Tốn và thị trấn Trâu Quỳ.

Năm 2023, huyện Gia Lâm phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM nâng cao đối với các xã còn lại (5 xã) và trở thành quận của Thủ đô Hà Nội. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện xác định tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Tập trung chỉ đạo, hoàn thành Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lâm, đồ án quy hoạch chung xây dựng 9 xã và các quy hoạch chi tiết trên địa bàn huyện. Chủ động tham mưu, đề xuất báo cáo UBND TP và Bộ Nội vụ về việc triển khai phương án sắp xếp các đơn vị hành chính, đảm bảo các tiêu chí xã thành phường theo quy định.

Đối với công tác rà soát, tính toán các chỉ tiêu thành lập quận, phường theo Nghị quyết số 26, 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Gia Lâm tiếp tục phối hợp với Sở chuyên ngành của TP để được hướng dẫn, thống nhất các tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập quận, phường, đặc biệt là các chỉ tiêu: Mật độ đường giao thông đô thị; Công trình thương mại, dịch vụ cấp đô thị; Cơ sở hạ tầng thương mại; Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình; Mức tăng trưởng kinh tế 3 năm gần nhất; Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố, duy trì các tiêu chí đã đạt, hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt tiêu chuẩn thành lập quận, phường. Trong đó, tập trung triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt Kế hoạch đầu tư công năm 2023 được TP và HĐND huyện giao. Tiếp tục báo cáo TP chấp thuận đầu tư và phối hợp với các sở, ngành triển khai, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án dân sinh bức xúc. Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo giữ vững cân đối ngân sách và tạo nguồn vốn đầu tư phát triển. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị trên địa bàn.

Đối với các tiêu chí thành lập quận chưa đạt, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để tổ chức thực hiện, kiểm tra, báo cáo UBND TP xem xét, công nhận. Đối với các tiêu chuẩn thành lập phường chưa đạt, huyện đã có những phương án cụ thể cho từng tiêu chí, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí theo quy định.

Phấn đấu đến hết năm 2023, huyện Gia Lâm sẽ hoàn thành Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.