Trong khi mối quan hệ Nga - Nhật gần như bị "đóng băng" suốt 70 năm lạnh nhạt đang được sưởi ấm dần thì mối quan hệ "đồng minh trên mặt trận chống khủng bố" giữa Mỹ - Afghanistan lại đứng trước thử thách mới.
Nga - Nhật chấm dứt 70 năm lạnh nhạt
Ngày 2/11, hình ảnh Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nga, Nhật tại cuộc đàm phán đầu tiên giữa hai nước theo công thức "2 +2" đã được truyền thông quốc tế nhận định là một bước tiến lịch sử. Về mặt lý thuyết, Nga - Nhật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do hai bên vẫn chưa ký kết Hiệp ước Hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc. Vì thế, cuộc gặp giữa người đứng đầu cơ quan ngoại giao, an ninh hai nước đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc hình thành quan hệ đối tác chiến lược.
Từ trái qua: Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu, Ngoại trưởng Lavrov, Ngoại trưởng Nhật Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Onodera tại Tokyo ngày 2/11. Ảnh: Reuters
|
Dù còn không ít những tồn tại, nghi kỵ trong quá khứ nhưng những các lợi ích về kinh tế, chính trị song phương cũng như khu vực giúp cho triển vọng thực hiện nhiệm vụ "hâm nóng" mối quan hệ bị đóng băng suốt 70 năm qua giữa Moscow - Tokyo được cho là hoàn toàn khả thi. Trên thực tế, để trở thành lực lượng đối trọng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, Nga - Nhật Bản đang tích cực thúc đẩy quan hệ song phương trên cả lĩnh vực kinh tế và an ninh. Theo quan chức hai nước, sự hợp tác của Nga và Nhật Bản, hai nhân vật chính trên sân khấu chính trị của Đông Á sẽ góp phần đáng kể vào sự nghiệp hòa bình và ổn định trong khu vực.
Mỹ - Pakistan lại căng thẳng
Bên cạnh việc phải đối phó với sự phẫn nỗ của các đồng minh châu Âu về chương trình nghe lén, Mỹ còn vấp phải phản ứng gay gắt từ phía Pakistan sau vụ không kích làm thủ lĩnh Taliban ở Pakistan Hakimullah Mehsud thiệt mạng vào cuối tuần qua. Ngày 2/11, Bộ Nội vụ Pakistan tuyên bố sẽ xem xét lại toàn bộ mối quan hệ với Mỹ vì cho rằng, vụ không kích này đã phá tan nỗ lực thúc đẩy hòa đàm với lực lượng Taliban kéo dài suốt 7 tuần qua. Bộ Ngoại giao Pakistan cũng triệu Đại sứ Mỹ tại Islamabad Richard Olson để phản đối vụ việc trên với lý do, đây không phải là một vụ không kích nhằm vào cá nhân mà là một cuộc tấn công vào tiến trình hòa bình. Không những thế, nhiều chính trị gia Pakistan còn cảnh báo sẽ chặn đường viện trợ cho liên quân NATO đi qua tỉnh Khyber Pakhtunkhwa.
Kể từ sau vụ khủng bố 11/9, Mỹ vẫn cho rằng các vụ không kích ở Tây Bắc Pakistan giáp với Afghanistan là hành động cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, vụ không kích lần này đã đẩy mối quan hệ Mỹ - Pakistan vào giai đoạn căng thẳng mới mà còn "chọc giận" tổ chức Taliban khiến tình hình khu vực có thể còn bất ổn hơn trước. Trên thực tế, tổ chức Taliban ở Pakistan đã bầu ông Khan Said làm thủ lĩnh mới và khẳng định sẽ tiến hành một loạt vụ đánh bom để trả thù vụ không kích của Mỹ.