KTĐT - “Là nghệ sĩ tuổi “thất thập” nhưng vẫn được mời đi làm phim “Bí thư Tinh ủy” - phim phát sóng những tập cuối giữa lúc Đại hội Đảng lần thứ XI diễn ra, còn gì vui sướng hơn,” NS Đức Trung tâm sự.
Trong phim “Bi thư tỉnh ủy” tôi được mời vào vai ông Ẩn - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng - phái viên ban nông nghiệp TƯ có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo, nếu tỉnh làm sai chủ trương nghị quyết của Đảng sẽ báo cáo lại với trung ương, để kịp thời chấn chỉnh.
Quốc Trọng và tôi có duyên với nhau từ khi làm phim nhựa trong tư cách diễn viên cách đây 30 năm, sau này anh trở thành đạo diễn, chúng tôi lại có dịp cộng tác trong nhiều phim do anh làm đạo diễn, hiểu nhau nên khi anh chọn tôi vào vai là tôi yên tâm nhận, chỉ cố làm cho tốt, chưa cần biết hay dở ra sao.
Lẽ ra là một nhân vật có vai trò chỉ đạo “đầu đội chủ trương, vai mang chính sách, tư cách cấp trên” cứ dập đúng nghị quyết, nguyên tắc Đảng mà làm, khỏi phiền hà tới“Quan lộ công danh”.
Nhưng không hiểu thế nào trong quá trình về địa phương theo dõi, kiểm tra giám sát, thấy cách làm của bí thư Kim có đụng chạm đường lối chủ trương của Đảng nhưng thấy hay hay, và có lý, đem lại phúc lợi cho dân, mới đầu còn phê phán, can ngăn, song càng ngày càng thấy cách làm ấy rất hợp lòng dân, được dân đồng tình, tôi cũng bị chinh phục và quay ra ủng hộ, giúp đỡ ông Kim thực hiện ý tưởng của mình, thế là trung ương gọi về thuyên chuyển công tác khác. “Nửa đường đứt gánh” chúng tôi chưa kịp giúp nhau hoàn thành sứ mệnh tâm huyết thì anh Kim ra đi…
Các bậc tiền nhân đã dạy: “Nói phải củ cải cũng phải nghe”. Một người dám chịu trách nhiệm lo cho cuộc sống ấm no của người nông dân như ông Kim Bí thư tỉnh không thể là tội lỗi. Tại sao không biết đứng ra để bảo vệ ? Đó là hạt nhân tư tưởng để tôi xây dựng hình tượng nhân vật ông Ẩn - ủy viên TW Đảng, cảm nhận từ chân lý đó mà tôi dũng cảm bước sang chiến tuyến cùng ông Kim “người đi trước thời gian ”, hệ lụy đến bản thân không nhỏ vì kỷ luật đảng lúc đó cực kỳ nghiêm khắc.
Các nhân vật chính trong phim, gần như nguyên mẫu của đời thực (chỉ đặt tên hơi chệch đi khỏi mặc cảm), luôn soi chiếu cho hành động hàng ngày cho mình, thận trọng cho từng cảnh quay, tự khắc phục khó khăn trong công việc, ví như: hơn mười lần tôi lên Vĩnh Yên làm phim không cần phiền hà xe đưa đón, ra nhảy xe buýt lên đóng phim, quay xong nhảy xe buýt về, vất vả nhưng vui, có nhiều lần, nhà xe không lấy tiền vé ô tô khi biết tôi đi làm phim về cố bí thư yêu quý của họ, ngồi trên xe giao lưu chuyện trò với bà con quê Vĩnh Yên học được nhiều cái hay.
Sau những buổi phát sóng tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại chia sẻ niềm xúc động và nỗi nhớ một thời chiến tranh gian khổ, thời bao cấp thiếu thốn, cực nhọc mà tuổi trẻ thời nay khó tin, những lời khen: “ê kíp” làm phim là những người có vốn sống, hiểu cuộc sống nên phản ánh trung thực, sâu sắc, tuy còn điều này, điều nọ, đó là những phần thưởng vô giá cho đội ngũ làm phim.
Là anh em làm nghề lâu năm, chúng tôi không được phép “phổng mũi”, bộ phim phản ánh đời sống xã hội quá khứ ba, bốn chục năm, tạo bối cảnh, đạo cụ, phục trang đúng thời điểm lịch sử không hề đơn giản, những hạt sạn khâu hậu cần khó tránh khỏi. Có những diễn viên khi ông Kim Ngọc ra đi họ chưa kịp ra đời hoặc còn bé tẹo tèo teo, làm sao thẩm thấu hết phần hồn của con người một thời chỉ biết hy sinh, hy sinh đến cùng, chưa biết thế nào là hưởng thụ.
Sự đoàn kết giúp đỡ nhau nỗ lực vượt khó của đoàn làm phim, sự hỗ trợ hết mình của lãnh đạo và nhân dân quê hương cố bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc đóng góp cho sự thành công nhất định.
Có người đặt câu hỏi, phim nói về quá khứ lạc hậu gian khổ, liệu có lay động nổi cảm xúc tới con người của hôm nay? Tại sao không! Những người làm phim còn thấy cần phải nói ra những điều trăn trở mang tính thời đại, ắt là vẫn có người đồng cảm muốn nghe, muốn nhìn, muốn lý giải.
Thời nào cũng có những người dám “lĩnh ấn tiên phong” để thay đổi cuộc sống hiện tại chưa thể bằng lòng, tại sao lại không cần những bài học xương máu ? Từ tâm huyết rút kinh nghiệm cách làm và lộ trình cần thiết đạt tới thành công, cần lắm chứ!
Phải lấy Tâm Đức làm cốt lõi, nhưng phương thức không thể coi nhẹ, đôi khi vì cạnh tranh, vì lợi nhuận tức thì, muốn thu hồi vốn nhanh, nhiều quyết sách vội vàng, không dựa vào lòng dân làm nền tảng dễ đi chệch hướng, điều cần học ông Kim là cả đời ông vì cuộc sống ấm no của người nông dân làm kim chỉ nam.
Ông Ẩn - Đặc phái viên TW (vai tôi đảm nhận) khi biết trung ương sắp đưa đặc phái viên khác thay tôi, chia tay trong bùi ngùi, tôi nói với ông Kim bằng tất cả niềm tin chân thành: “Anh cứ làm những gì mình cho là đúng rồi sau này lịch sử sẽ phán xét”.
Ông Kim đã ra đi nhiều năm, mọi việc mới được nhìn lại thấu đáo, điều không nên để xẩy ra hôm nay, cần làm sao những quyết sách ích nước lợi dân đi thật đúng hướng, lộ trình hợp lý, được mọi người dân tán thành, ủng hộ, khát vọng ắt được thực hiện, cần làm sao những người tiên phong phải được nhìn thấy thành quả và giá trị tinh thần việc làm của mình ngay khi mình đang làm, đang sống.
Khích lệ đảng viên, cán bộ nhà nước, những doanh nhân thời đại và thế hệ trẻ hôm nay: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách, để những hoạch định vì lợi ích quốc gia, vì sự phát triển phồn vinhcủa dân tộc,đó là đại hồng phúc mai sau…