Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nữ sinh khiếm thị truyền cảm hứng sống tích cực

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bị khiếm thị nhưng Nghiêm Thu Loan (sinh viên 1998, sinh viên Đại học RMIT Việt Nam) luôn giành nhiều thành tích xuất sắc trong học tập. Đặc biệt, cô gái trẻ luôn tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện, truyền cảm hứng sống tích cực, hỗ trợ người khiếm thị…

Lần đầu biết đến Nghiêm Thu Loan khi em vừa học xong lớp 10 - Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Thời điểm ấy cách đây hơn 5 năm, em tham gia vào một lớp học làm báo dành cho người khiếm thị. Là học viên nhỏ tuổi nhất, Loan chia sẻ, em rất đam mê viết lách. Ngoài việc học, em sẽ tích cực tham gia viết báo, viết truyện...

Từng giành được học bổng trị giá 1,5 tỷ đồng của Đại học RMIT năm 2019, tuy nhiên, Nghiêm Thu Loan cũng gặp khó khăn trong việc học chuyên ngành truyền thông. “Bên cạnh việc viết nội dung, sinh viên còn phải đi thực tế nhiều, có nhiều hoạt động liên quan đến hình ảnh như chụp ảnh, lên ý tưởng quảng cáo, sử dụng công nghệ cao, khó tiếp cận với người khiếm thị. Bên cạnh đó, có những sinh viên không muốn kết bạn, cùng làm việc nhóm vì sợ ảnh hưởng đến chất lượng kết quả của nhóm...” - Nghiêm Thu Loan chia sẻ.
 Sinh viên nhận Học bổng chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT Việt Nam, Nghiêm Thu Loan.
Bên cạnh việc học, tham gia các hoạt động xã hội, Nghiêm Thu Loan tích cực tham gia viết sách, và là tác giả của cuốn sách “Giấc mơ nơi thiên đường” - tập truyện ngắn đã được xuất bản. Các câu chuyện trong “Giấc mơ nơi thiên đường” đều nhẹ nhàng, gần gũi, như dòng nước mát xóa đi mọi nỗi đau, tổn thương mà mỗi chúng ta có thể gặp phải trong cuộc sống, ở đó hiện lên tình người và sự lương thiện qua cảm nhận của trái tim một cô gái khiếm thị. Tiếp nối “Giấc mơ nơi thiên đường”, Nghiêm Thu Loan đã hoàn thiện và đang chuẩn bị xuất bản cuốn sách “Sáng hơn ánh mặt trời” - tập hợp các bài tản văn chia sẻ về thông điệp cuộc sống, truyền cảm hứng học tập và cống hiến.

Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Step - Hành động vì người khiếm thị, Nghiêm Thu Loan và các thành viên trong câu lạc bộ đã tích cực tham gia nhiều hoạt động để hỗ trợ người khiếm thị. Câu lạc bộ đã tổ chức các cuộc thi để nâng cao đời sống tinh thần cho người khiếm thị, tạo điều kiện, môi trường lành mạnh để họ thể hiện khả năng của bản thân, giao lưu học hỏi lẫn nhau và nâng cao nhận thức của xã hội như cuộc thi “Hát khúc đam mê”, “Chinh phục tri thức”, “Điều con muốn nói”…

Bên cạnh đó, câu lạc bộ tổ chức các chuỗi chương trình truyền cảm hứng học tập như “Thắp sáng tương lai”; giúp đỡ, kêu gọi tài trợ cho hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng cống hiến vì người khiếm thị cho các bạn trẻ; mở các lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các bạn khiếm thị. Gần đây nhất là sự kiện “Hành trình gắn kết” nhằm kêu gọi, kết nối các nguồn lực hỗ trợ cho các cơ sở massage, tẩm quất của người khiếm thị, giúp họ sớm khôi phục kinh tế, trở lại cuộc sống bình thường mới sau đại dịch Covid-19.

Trò chuyện với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Nghiêm Thu Loan cho biết, trong số những trường hợp Câu lạc bộ Step giúp đỡ, em nhớ nhất trường hợp em bé Vũ Bình Minh (huyện Phú Xuyên). Bé bị ung thư võng mạc bẩm sinh, và là con của một cặp vợ chồng khiếm thị. Câu lạc bộ đã kêu gọi được gần 40 triệu đồng từ cộng đồng để giúp bé điều trị và làm phẫu thuật.