Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nữ sinh lái xe ôm trải nghề

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Họ đều là nữ sinh các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thủ đô. Mỗi người đến với nghề lái xe ôm với một lý do khác nhau, nhưng họ đều yêu thích công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới này.

Thu nhập thấp

Cứ tưởng mức thu nhập hàng tháng của nghề lái xe ôm phải “khủng” lắm thì phận gái liễu yếu đào tơ mới chen vào. Nhưng, khi nghe ông Giám đốc công ty TNHH vận tải Thân thiện Phạm Văn Hiệp bảo: Nhân viên nữ làm việc nhiều nhất cũng chỉ khoảng hơn 1 triệu, còn 500.000 đồng cũng có - tôi "giật mình" về mức thu nhập "hẻo" của các tài xế nữ.

Đến với nghề ngày, những cô gái trong đội taxi xe ôm thân thiện đã phải đối mặt với những áp lực rất lớn đến từ phía gia đình. Tài xế  Hoàng Thị Xuân, sinh viên khoa Giáo dục Chính trị, ĐH Sư phạm Hà Nội tâm sự: “Khi em xin phép bố mẹ được làm thêm công việc lái xe ôm, bố mẹ nghĩ rằng lái xe ôm là phải đứng đường vẫy khách đã phản đối rất kịch liệt. Tuy nhiên, sau khi hiểu được công việc của em, bố mẹ không còn phản đối nữa”.

Nữ sinh lái xe ôm trải nghề - Ảnh 1

Nhà Xuân có 5 anh chị em. Bố mẹ làm nghề thuần nông thu nhập bấp bênh nên luôn phải oằn mình nuôi chị em Xuân ăn học. Để không phải xin tiền trợ cấp của bố mẹ, ngoài việc chở xe ôm cho các em học sinh theo hợp đồng cố định, trong thời gian rảnh rỗi, nếu khách hàng có nhu cầu thì Xuân sẵn sàng lên đường để có thêm thu nhập. Tối đến, cô nữ sinh trường ĐH Sư phạm lại đạp xe 5km từ xóm mới Đức Diễn đến Cầu Giấy gia sư. Biết bạn mình làm lái xe ôm, bạn bè trong lớp thường gọi Xuân là “cô xe ôm” nhưng điều đó khiến cô tự hào.

Không đặt nặng vật chất lên đầu, cô sinh viên Đinh Thị Hương, 22 tuổi, sinh viên năm 2, trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội, lại đến với nghề lái taxi xe ôm từ sự vui thích thực sự. “Có lần đi qua bến xe Mỹ Đình, em nhìn thấy 4-5 bạn nam mặc áo và mũ bảo hiểm đồng phục màu vàng của Công ty TNHH vận tải Thân thiện. Hình ảnh ấy đã khiến em bị cuốn hút thực sự. Lên mạng tìm hiểm thông tin, em được biết công ty cũng đang muốn tuyển nhân viên nữ để đưa đón các em học sinh đến trường và về nhà nên rất phù hợp với lịch học của sinh viên. Vì thế, em đã làm hồ sơ xin việc”. Khác với suy nghĩ của không ít người, Hương trân trọng nghề xe ôm và coi nó như một công việc có ích cho xã hội.

Những nẻo đường gian nan

Mỗi ngày Hương phải dậy từ 6 giờ sáng, chuẩn bị mọi thứ rồi tới công ty nhận và lái xe đến Nguyên Xá, Minh Khai, Từ Liêm chở em Nguyễn Thị Vân (học lớp 8) đến trường THCS Phú Diễn trước 7 giờ. Những ngày rảnh rỗi, Hương cố gắng chở thêm 2 đến 3 học sinh nữa để tăng thu nhập.

Kể về gian truân của công việc, Hương chia sẻ: “Lái xe ôm phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc đưa đón khách đúng giờ theo yêu cầu của khách. Vì thế, dù nắng gió, mưa phùn hay gió rét, chúng em vẫn phải ra đường. Con gái ai cũng nâng niu bề ngoài, nhưng công việc này quanh năm suốt tháng hút bụi”. Ngoài ra, các nữ sinh phải cam kết tuân thủ Luật An toàn giao thông đường bộ và di chuyển cẩn thận để đảm bảo an toàn cho khách.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 11/2012, 15 chiếc xe ôm gắn đồng hồ tính cước của Công ty Thân thiện (có trụ sở tại huyện Từ Liêm) chỉ hoạt động ở khu vực bến xe Mỹ Đình và Đại học Công nghiệp, đến nay công ty đã có gần 30 lái xe ôm. Dịch vụ này đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của nhiều người vì hạn chế tình trạng xe ôm chặt chém khách đang khá phổ biến.

Anh Phạm Văn Hiệp, Giám đốc công ty TNHH vận tải Thân thiện, cho biết: “sau vài tháng đi vào hoạt động, tôi nhận thấy có rất nhiều phụ huynh có nhu cầu thuê taxi xe ôm chở con mình đi học. Tuy nhiên, có nhiều cháu học sinh nữ đã lớn tuổi nên họ không an tâm và tin tưởng giao phó con mình cho nhân viên lái xe nam mà yêu cầu con gái. Vì thế, tôi quyết định tuyển dụng nữ tài xế vào làm việc. Đến nay, công ty đã có 5 nhân viên nữ. Tất cả các em đều là sinh viên thiếu thốn về vật chất”. Vì điều kiện sức khoẻ không cho phép nên tài xế nữ chỉ phải chở khách ở những đoạn đường ngắn (dưới 10km), nếu xa hơn thì sẽ có nhân viên nam đảm nhiệm.