Nguyên nhân chính là do gia đình không cho du học. Đây là hành động được các bác sĩ tâm thần cho rằng là của hội chứng “tự ngược đãi bản thân”.
Cụ thể, bệnh là nữ, 21 tuổi, đang học năm thứ 2 một trường Đại học ở Hà Nội. Trước đó, bệnh nhân luôn muốn đi du học nhưng do điều kiện gia đình không cho phép. Bệnh nhân cũng không chia sẻ với ai được nên luôn trong tâm trạng ức chế. Bệnh nhân trăn trở về vấn đề này rất nhiều, dẫn đến mệt mỏi, nhưng không dám nói với ai. Bệnh nhân đã tự cắt tay đã giải tỏa ức chế. Bệnh nhân mô tả là mỗi lần cắt tay như vậy mà không thấy đau, ngược lại còn thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn. Gia đình phát hiện được đã đưa bệnh nhân vào Viện để điều trị.
Theo bác sĩ Tâm, bệnh nhân được đưa vào Viện với 16 vết cắt trên cánh tay. Tuy nhiên, khi được hỏi, bệnh nhân cho biết không thấy đau. Tại Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh nhân được các y bác sĩ chăm sóc, gia đình quan tâm hơn nên bệnh nhân không cắt tay nữa. Thay vào đó, bệnh nhân xuất hiện những cơn rối loạn vận động phân ly. Đó là những rối loạn về tâm lý để gây sự chú ý. Vì vậy, các bác sĩ đã điều trị bằng giải pháp tâm lý. Sau 3 tuần, bệnh nhân đã có cải thiện tốt, sau đó được điều trị ngoại trú. Điều đáng nói, những trường hợp như nữ sinh này không phải là hiếm.
Một trường hợp khác là đang điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần là bệnh nhi nữ 9 tuổi, thích chơi game và mê đắm với những trò chơi trên mạng, gần như không chú ý đến việc học và các mối quan hệ giao tiếp trong gia đình nên bị bố mẹ cấm... Bức xúc vì bị thu Ipad, bệnh nhi đã tự nhổ tóc khiến đầu trọc thành mảng to, tự cào cấu vào chân tay mình. Phát hiện những biểu hiện bất tường này của con, bố mẹ bệnh nhi đã tổ chức các chuyến đi chơi, dã ngoại để bé được thay đổi không gian, mở rộng giao tiếp với nhiều người nên tình trạng bệnh đã được cải thiện đáng kể.
Theo bác sĩ Tâm, tự gây thương tích là cách để người mắc bệnh làm giảm cảm giác đau đớn hoặc tình huống khó khăn của mình một cách tạm thời. Bằng cách tự gây thương tích, người bệnh cố gắng đạt các mục đích sau: Có được sự quan tâm, giúp đỡ của người khác; giải quyết bất đồng với bạn bè hoặc người thân yêu; làm giảm sự nhàm chán trong quan hệ với mọi người; tạo ra một trạng thái cảm xúc tích cực. Do vậy, khi phát hiện ra một người tự thương cần đưa họ đến khám và điều trị tại bác sĩ tâm thần. Các vết thương của bệnh nhân sẽ được khám và điều trị phối hợp bởi bác sĩ chuyên khoa phù hợp. Cần tìm ra nguyên nhân gây ra tự thương để điều trị triệt để, không để tái diễn hành vi tự hủy hoại.