Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" tham gia chủ trì buổi tọa đàm.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, kết quả sơ kết 8 chương trình công tác trọng điểm của thành phố cho thấy, dưới sự chỉ đạo Trung ương và Thành ủy Hà Nội, Chương trình 02-CTr/TU đã đạt kết quả đáng phấn khởi, được đánh giá là thành tựu nổi bật năm 2018 của Thủ đô Hà Nội.
Tính đến nay, đã có 4 huyện thuộc thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức. Các huyện: Gia Lâm, Quốc Oai, Phúc Thọ đang trong quá trình xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện Hà Nội có 323/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước hạn.
Qua triển khai xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng chuyên canh để phát triển kinh tế. Nhờ đó, thu nhập của nông dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, đời sống của người dân, trong đó có gia đình hội viên phụ nữ được nâng lên.
Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU bày tỏ mong muốn, thông qua cuộc tọa đàm sẽ được nghe các ý kiến đóng góp tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là ý kiến của các nữ trí thức Thủ đô với mục tiêu đóng góp vì sự phát triển bền vững của TP.
Phát biểu báo cáo đề dẫn những vấn đề Hội Nữ trí thức quan tâm trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM Thủ đô, PGS.TS Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho biết, nông nghiệp Hà Nội có vị trí đặc biệt quan trọng. Trong gần 3 năm thực hiện Chương trình 02 Ctr./TU, nông nghiệp Hà Nội đã có những bước đột phá cả về giá trị tăng trưởng (giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng hơn 3,3%; giá trị thu trên 1ha là 245 triệu đồng (giá trị/ha cao nhất nước); thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt khoảng 46,5 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 1,81%; mà còn là sự thay đổi của bộ mặt nông thôn (cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông...).
Tuy vậy, Hà Nội mong muốn nông nghiệp Thủ đô sẽ phải có những bứt phá về giá trị tăng trưởng nhưng quan trọng hơn là sự bền vững với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với việc ứng dụng công nghệ cao, với những chuỗi liên kết gắn bó. Để Hà Nội luôn là điểm hẹn hấp dẫn vì sự an toàn, yên bình, vì những sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới an toàn, những món ăn tinh tế... tại các thôn, làng do chính những người nông dân hiện đại đã tạo ra.
Hà Nội cũng phải là địa phương có những người nông dân với tư duy mới, lấy năng lực nội sinh để tự tổ chức cho cuộc sống của gia đình mình, của làng xóm mình với mục tiêu làm giàu chính đáng để nâng cao chất lượng và giá trị cuộc sống.
Hội nữ trí thức Hà Nội, nơi tập hợp những người phụ nữ có kiến thức, được đào tạo bài bản có khả năng tham gia chương trình 02 của Thành ủy, đặc biệt trong việc giúp người nông dân (nhất là phụ nữ nông dân) thay đổi được tư duy để nâng cao năng lực nội sinh, thay đổi nhận thức cũ, lỗi thời, thay đổi các thói quen lạc hậu, không thích hợp.... trong việc làm kinh tế, trong lĩnh vực ATTP, lĩnh vực môi trường, xây dựng chuỗi liên kết 5 nhà, mỗi xã một sản phẩm,...
“Đặc biệt, Hội nữ trí thức Hà Nội muốn xây dựng mô hình điểm (một xã đã đạt chuẩn và một xã chưa đạt chuẩn NTM theo tiêu chí) với tên gọi Nông thôn mới Tràng An. Mô hình này gồm một xã có văn hóa làng xã (hương ước, quy ước...), có giáo dục chuẩn mực, có môi trường trong sạch (tự nhiên và xã hội) có nghề, có sản phẩm đẹp, an toàn, chất lượng... được tiêu thu rộng rãi và bền vững trên thị trường. Để người nông dân hoặc nghệ nhân gắn bó với quê, tự hào sống đủ, sống dư bằng chính nghề của mình”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.