Cụ thể UBND TP đã cho phép chuẩn bị 5 dự án cấp nước sạch liên xã Cổ Đô - Phong Vân (huyện Ba Vì), Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), Hiệp Thuận - Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ), Tam Hưng - Thanh Thuỳ (huyện Thanh Oai), Liên Phương - Hồng Vân - Thư Phú - Hà Hồi - Vân Tảo (huyện Thường Tín).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình UBND TP 2 dự án cấp nước sạch liên xã Trung Hoà - Trường Yên (huyện Chương Mỹ), Tự Lập - Tiến Thắng (huyện Mê Linh).
Như vậy, sau khi UBND TP cho phép đã có 6 dự án thực hiện chuẩn bị đầu tư. Ban Quản lý dự án Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn đã tiến hành chỉ định 13 gói thầu và đầu thầu 13 gói thầu, đạt tỷ lệ 50% theo đúng yêu cầu của kế hoạch hàng động của chương trình.
Nước sạch đã được đưa về các trường học ngoại thành.
|
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng dự án và các đơn vị tư vấn lập dự án cải tạo, xây mới công trình vệ sinh và nước sạch tại các trường, trạm y tế các xã dự kiến đạt vệ sinh toàn xã trong năm 2013.
Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo cải tạo, xây dựng mới 6 công trình vệ sinh và nước sạch tại 6 trường học thuộc các xã Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm), Thạch Xá (huyện Thạch Thất).
Sở Y tế đã phối hợp với các đơn vị tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật các công trình vệ sinh nước sạch tại các trạm y tế xã Thạch Xá, Hương Ngải (huyện Thạch Thất).
Tính đến hết năm 2013, đã kiểm đếm được 2.637 nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng mới tại 69 xã thuộc 7 huyện và 69.523 người được hưởng lợi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Ba Vì và Chương Mỹ tổ chức 3 lớp truyền thông cho 3 xã có đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng các công trình nước sạch trong “Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng” vay vốn Ngân hàng Thế giới với tổng số 600 người tham dự.
Sở Y tế tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cấp thành phố, cấp huyện về triển khai hoạt động chương trình; phối hợp với các huyện tổ chức 12 lớp tập huấn nâng cao năng lực về vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và các nội dung triển khai hoạt động của chương trình tại 5 huyện cho trưởng trạm y tế xã, cán bộ chuyên trách vệ sinh môi trường, các cộng tác viên, trưởng thôn, phó thôn các xã với 586 người tham dự... Bên cạnh những kết quả đã đạt được như trên, thì Chương trình còn gặp một số khó khăn như: Sự phối hợp để thực hiện Chương trình giữa các sở, ngành của TP còn lúng túng, thiếu nhịp nhàng; nguồn vốn phân bổ cho các dự án còn chậm; ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân còn kém…
Để hoàn thành các kế hoạch đề ra trong năm 2014, UBND TP kiến nghị Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới bố trí vốn theo tiến độ dự án; đồng ý cho TP được đếm số đầu nối từ hệ thống nước sạch đô thị cho các xã nông thôn để làm chỉ số giải ngân của Chương trình; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác chuyên môn, quản lý liên quan đến các dự án nước sạch và vệ sinh môi trường.