Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nuôi trồng thủy sản: Thiệt hại nặng do rét đậm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thông thường vào thời điểm sau Tết, người nuôi trồng thủy sản Hà Nội mới vào vụ thu hoạch cá để cung cấp cho thị trường tiêu dùng. Nhưng do đợt rét đậm rét hại vừa qua, hàng nghìn tấn cá của bà con đã bị chết rét khiến nhiều vùng nuôi trồng thủy sản lao đao.

KTĐT - Thông thường vào thời điểm sau Tết, người nuôi trồng thủy sản Hà Nội mới vào vụ thu hoạch cá để cung cấp cho thị trường tiêu dùng. Nhưng do đợt rét đậm rét hại vừa qua, hàng nghìn tấn cá của bà con đã bị chết rét khiến nhiều vùng nuôi trồng thủy sản lao đao. Mất mùa cá cũng đồng nghĩa với việc nhiều gia đình không có vốn để tiếp tục đầu tư cho vụ mới.

 

Quặn lòng vì thời tiết

 

Không ít người nuôi trồng thủy sản ở huyện Thanh Trì quặn lòng vì tôm, cá chết nổi trắng ao, hồ những ngày sát Tết. Anh Nguyễn Đình Tuấn, thôn Vực, xã Thanh Liệt ngậm ngùi: Khu đầm nhà tôi có diện tích 14.000m². Đợt rét vừa qua, gần 5 tấn cá đến ngày thu hoạch đã bị chết, chủ yếu là cá chim trắng, cá rô phi và cá chuối. Với mức giá 30.000 - 50.000 đồng/kg như hiện nay thì thiệt hại cũng lên tới trên 100 triệu đồng.

 

Trong ngày hôm qua 9/2, mặc dù thời tiết đã ấm dần lên nhưng vẫn còn lác đác hộ dân ở xã Thanh Liệt đi vớt cá chết. Anh Lê Văn Vượng, chủ đầm 700m² ở thôn Bơ có gần 3 tạ cá bị chết rét cho biết: "Do rét quá, cá rúc xuống bùn và chết dưới đó nên thỉnh thoảng vẫn có hiện tượng cá chết nổi lên". Theo báo cáo mới nhất của UBND xã Thanh Liệt, tổng lượng cá chết do rét của xã đến thời điểm này là gần 90 tấn.

 

Vùng nuôi trồng thủy sản Đông Mỹ cũng chịu cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Báu, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Đông Mỹ cho biết: Toàn xã có khoảng 100ha nuôi trồng thủy sản trong đó 80 - 90% nuôi cá rô phi và chim trắng. Đợt rét đậm trong Tết đã làm chết hầu như toàn bộ số cá trên. Với mức năng suất 6 - 7 tấn cá/ha thì thiệt hại cũng không nhỏ. Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Trì, đợt rét vừa qua, toàn huyện có tới 1.500 tấn cá chết. Với 7.500 ha diện tích mặt nước, nuôi trồng thủy sản đang là ngành sản xuất chính của nông nghiệp Thanh Trì. Do đó, việc hàng nghìn tấn cá chết đã khiến người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.

 

Mong được tiếp sức cho vụ mới

 

Không riêng gì Thanh Trì, tại các vùng nuôi trồng thủy sản khác trên địa bàn thành phố, tình trạng cá chết cũng xảy ra khá nhiều. Tại thị xã Sơn Tây, lãnh đạo địa phương cho biết có tới 80 - 100 tấn cá bị chết. Tại Gia Lâm, số lượng cá chết rải rác cũng vào khoảng 10 tấn...

 

Thời điểm này, bà con nông dân các xã thuộc huyện Thanh Trì bắt đầu tát ao, thay nước, rắc vôi bột để khử trùng ao nuôi, chuẩn bị bước vào vụ mới.Song vì thiệt hại sau đợt rét đậm quá lớn nên nhiều người dân đang không biết tìm nguồn vốn đầu tư ở đâu. Theo khảo sát ban đầu, giá một số giống cá đã tăng lên đáng kể so với năm ngoái. Để giúp bà con có điều kiện tiếp tục sản xuất, đại diện các địa phương đã báo cáo tình hình và đề nghị Thành phố xem xét hỗ trợ đối với những vùng có thủy sản, gia súc, gia cầm bị chết rét. Sau khi nghe báo cáo, Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng đã yêu cầu các huyện, thị xã thống kê thiệt hại để Sở NN&PTNT tổng hợp trình thành phố. Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo Chi cục Thú y quan tâm tới công tác phòng chống dịch bệnh và chống rét cho đàn gia súc...

 

Còn theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản, để tránh thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, các hộ nuôi trồng thủy sản cần lưu ý làm tốt công tác chuẩn bị khi bước vào vụ mới. Để hạn chế cá chết rét trong vụ Đông cần giảm thả lượng cá chim… mà tăng cá trắm đen, chép - những giống cá chịu rét giỏi mà nhu cầu thị trường lại cao trong dịp Tết và sau Tết. Chi cục Thủy sản Hà Nội cũng lưu ý, mực nước trong các ao, hồ thấp, nhất là ở các khu nuôi trồng thủy sản chuyển đổi từ đất lúa sang sẽ làm tăng nguy cơ cá chết rét. Do đó, các hộ dân nên đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống ao nuôi hoàn chỉnh, đủ sâu để đảm bảo giữ nước cho cá.


 

Theo báo cáo của các địa phương, đợt rét đậm, rét hại đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, trong đó ngành nuôi trồng thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với gần 1.600 tấn cá bị chết (riêng trên địa bàn huyện Thanh Trì là 1.500 tấn). Toàn thành phố cũng có trên 200 con trâu, bò chết rét; trên 100 con lợn bị chết do bệnh đi ỉa phân trắng và bệnh tụ huyết trùng. Ngoài ra, đợt rét đậm rét hại trong Tết cũng làm chết gần 10.000 con gia cầm các loại.