Nhìn lại quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện, kết quả này bắt nguồn từ nguyên nhân có quá nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ.
Sức mạnh chưa được phát huy
Tính đến hết năm 2014, huyện Thanh Oai có 3/20 xã (15%) được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Hồng Dương, Dân Hòa và Cao Dương. Đây là kết quả còn khiêm tốn so với mặt bằng chung và thấp hơn nhiều huyện khác trên địa bàn TP. Năm 2015, huyện Thanh Oai đặt mục tiêu có 5 xã về đích NTM, gồm: Bình Minh, Tam Hưng, Thanh Văn, Phương Trung và Tân Ước. Tuy nhiên, qua đánh giá, chấm điểm của Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn NTM TP mới đây, huyện chỉ có 4 xã đủ điều kiện đạt chuẩn NTM, còn lại xã Phương Trung chưa đáp ứng yêu cầu, chỉ đạt 90,25/100 điểm.
Việc không đạt chỉ tiêu xây dựng NTM đề ra trong năm nay cho thấy quá trình triển khai thực hiện Chương trình 02 của huyện Thanh Oai đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Nói về kết quả của địa phương, bà Nguyễn Thị Lan - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai giãi bày, nhận thức của một số cán bộ và Nhân dân về xây dựng NTM còn chưa đầy đủ. Đó là các xã mới chỉ tập trung vào tiêu chí xây dựng hạ tầng cơ sở mà chưa quan tâm tới các tiêu chí khác. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, tiến độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, ảnh hưởng tới việc nâng cao thu nhập và đời sống cho Nhân dân.
Đặc biệt, nhiều địa phương chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, còn một số cán bộ và Nhân dân chưa thực sự vào cuộc, dẫn tới huy động nguồn lực khá hạn chế, chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn của cấp trên. Theo nhận định của lãnh đạo huyện Thanh Oai, hiện tại, nguồn lực xây dựng NTM trên địa bàn huyện đang gặp nhiều khó khăn, kinh phí đầu tư chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, công tác đấu giá đất, khai thác nguồn lực xây dựng NTM đạt kết quả thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Không thể phủ nhận những kết quả tích cực của chương trình xây dựng NTM đã và đang góp phần thay đổi đáng kể diện mạo cũng như đời sống khu vực nông thôn huyện Thanh Oai. Tuy nhiên, với 13/20 xã chưa đạt chuẩn NTM, nhiệm vụ phải hoàn thành 100% xã NTM vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt ra là một thử thách không hề nhỏ với địa phương cơ bản thuần nông này. Đáng chú ý, trong 19 tiêu chí NTM, nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng của huyện Thanh Oai hiện đang đạt thấp. Đơn cử, tiêu chí thủy lợi mới có 38,1% xã đạt, trường học có 47,6% xã đạt, cơ sở vật chất văn hóa mới có 52,3% xã đạt chuẩn… Ngoài ra, tiêu chí môi trường cũng đạt thấp do tiến độ triển khai các dự án cung cấp nước sạch trên địa bàn còn chậm. Bên cạnh đó, tình trạng chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn tồn tại, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Bà Lê Thị Hà - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huyện đã đề ra giải pháp là tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân tích cực tham gia chung tay, góp sức xây dựng NTM. Bên cạnh việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa từ con em đi công tác xa quê hương, nguồn đóng góp của các DN trên địa bàn, huyện sẽ tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của TP để đầu tư có hiệu quả cho các dự án. Theo bà Hà, việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không làm tràn lan để có được điểm số cao nhất đối với các xã NTM nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người dân.
Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được huyện Thanh Oai chú trọng là phát triển kinh tế đồng bộ, hiệu quả nhằm nâng cao đời sống cho người dân. Trong đó, huyện chủ trương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ cao và cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời phát triển dịch vụ, thương mại, công nghiệp, phát huy hiệu quả của 4 cụm công nghiệp và 51 làng nghề hiện có, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Đường làng, ngõ xóm xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Ánh Ngọc
|