Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ô nhiễm nước ngầm tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai: Vẫn phải chờ… nghiên cứu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị có bài: “Ô nhiễm nước ngầm tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai - Bao giờ mới có câu trả lời thỏa đáng".

Sau khi Báo đăng, ngày 2/10, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 6745/VP-TNMT truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh, giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND huyện Thanh Oai kiểm tra, xử lý thông tin…

Những diễn biến mới

Sau khi có chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trở lại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai để tìm hiểu việc các lực lượng chức năng đã triển khai công việc gì giúp dân. Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND xã Cự Khê cho biết: Sau khi báo Kinh tế & Đô thị có bài phản ánh, UBND huyện Thanh Oai đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát toàn bộ số người mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn xã Cự Khê trong 5 năm (2011 - 2015). Qua kết quả mới được công bố cho thấy, xã Cự Khê có tới 54 người mắc bệnh hiểm nghèo và đến 3/11/2015 đã có 38 người chết vì ung thư.
Sông Nhuệ đen đặc và bốc mùi được cho là thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước ngầm ở xã Cự Khê.
Sông Nhuệ đen đặc và bốc mùi được cho là thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước ngầm ở xã Cự Khê.
Cùng với đó, HĐND TP cũng cử đoàn về giám sát hoạt động của Trạm nước sạch ở thôn Cự Đà. Đồng thời, Sở NN&PTNT, Sở TN&MT và Trung tâm nước sạch cũng đã khảo sát, lấy mẫu nước ngầm ở hộ ông Tống Phước Long (thôn Khúc Thủy), ông Phạm Đăng Công (thôn Mỹ), ông Nguyễn Quang Sâm (thôn Cầu) để xét nghiệm. Ngày 30/10, Sở TN&MT đã có kết quả kiểm tra chất lượng nguồn nước ngầm tại xã Cự Khê. Theo đó, một số chỉ tiêu (mẫu nước lấy tại 3 gia đình trên) đều vượt tiêu chuẩn cho phép, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt quá rất nhiều lần. Tuy nhiên, theo Sở TN&MT, để xác định nguyên nhân gây bệnh ung thư có phải do nguồn nước ngầm hay không vẫn phải chờ các nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu của các cơ quan chuyên môn…

Trạm cấp nước sạch cũng bị ô nhiễm

Để bảo đảm sức khỏe cho người dân, chính quyền địa phương cũng như các ngành của TP khuyến khích người dân nên sử dụng nước sạch để sinh hoạt. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Dương - nhân viên quản lý Trạm nước sạch Cự Đà cho biết, theo thiết kế, Trạm có công suất 500m3/ngày đêm, nhưng đến nay mới phát huy hết khoảng 1/2 công suất. Nghịch lý này được ông Dương giải thích: Thôn Cự Đà có 700 hộ dân, nhưng đến nay mới có 355 gia đình có hợp đồng sử dụng nước sạch. Số còn lại vẫn dùng nước giếng khoan vì họ đã "trót" đầu tư hệ thống bể lọc lắng khá hiện đại. Để có đủ nước cấp cho người dân trong xã, giải pháp trước mắt là mở rộng quy mô, nâng công suất của Trạm nước sạch Cự Đà từ 500 lên 1.000m3/ngày đêm. Hiện, UBND xã Cự Khê đã phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư Nhật Phát (đơn vị tiếp nhận và quản lý Trạm nước sạch Cự Đà) mở rộng hệ thống đường ống "xương cá" để cấp nước cho số hộ còn lại của thôn Khúc Thủy.

Tuy nhiên, mới đây, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã có thông báo gửi xã Cự Khê về kết quả giám sát vệ sinh và chất lượng nước tại Trạm cấp nước Cự Đà. Tại thông báo này, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã đưa ra hàng loạt chỉ số nguồn nước ngầm như Asen, Amoni, Pecmanganat không đạt quy chuẩn; đồng thời yêu cầu UBND xã Cự Khê, Công ty TNHH Đầu tư Nhật Phát thực hiện ngay các biện pháp khắc phục chỉ tiêu kỹ thuật; chỉ cung cấp nước cho dân khi chất lượng nước đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế; tăng cường chế độ vệ sinh các khu vực trạm, thu dọn thanh lý phế liệu, tránh tình trạng đọng nước, rêu; bổ sung khóa tại bể chứa nước thành phẩm, đảm bảo an ninh an toàn nguồn nước…