Điều khiển xe ô tô lạng lách, đánh võng và không chấp hành hiệu lệnh dừng xe sẽ bị phạt từ 18-20 triệu đồng. (Ảnh minh họa) |
Nghị định 46 bổ sung quy định, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ôtô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng. Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng. Cụ thể, điểm d Khoản 8 Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ. Cũng liên quan đến vấn đề này, khoản 10 Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 8 Điều này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm điểm d khoản 8 còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng. Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 8, khoản 10 Điều này hoặc tái phạm hành vi quy định tại điểm d khoản 8 Điều này, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng. Giải thích về xử phạt hành vi này, bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), thành viên Ban soạn thảo Nghị định cho rằng, nếu lái xe vi phạm điểm d khoản 8 mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ, gây tai nạn, tức là khi đó hành vi của người lái xe đã vi phạm khoản 10. Lúc này, lực lượng thi hành công vụ sẽ xử phạt hành vi theo khoản 10 mà không xử phạt hành vi vi phạm Điểm d Khoản 8. Nếu lái xe vi phạm ở hành vi nào thì sẽ xử phạt hành vi vi đó, còn nếu vi phạm cả hai thì sẽ xử phạt ở hành vi có mức xử phạt cao nhất. Dùng chân điều khiển xe ô tô bị phạt 8 triệu đồng Đây là hành vi mới được bổ sung vào Nghị định 46 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 171 và Nghị định 107 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ 1/8. Cụ thể, điểm d, Khoản 8 Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, ở đây chúng ta phải hiểu xử phạt hành vi này dành cho người bình thường mà lái chiếc xe bình thường (trừ trường hợp có loại xe dành cho người khuyết tật cũng lái bằng chân) mà dùng chân điều khiển là hết sức nguy hiểm đến ATGT. Vì khi đó có thể lái xe không ở tư thế không nhìn được phía trước và khi lái xe bằng chân thì định hướng xe sẽ khác so với lái bằng tay. Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT và phải xử phạt thật nghiêm. Lái xe uống rượu bia bị phạt tới 18 triệu Nghị định 46 quy định các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe đã uống rượu, bia cụ thể như sau: Đối với người Điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (theo Điểm a, Khoản 6, Điều 5). Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng (theo Điểm b, Khoản 12, Điều 5). Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (theo Điểm b, Khoản 8, Điều 5). Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng (theo Điểm d, Khoản 12, Điều 5). Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (theo Điểm a, Khoản 9, Điều 5); hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ (theo điểm b, Khoản 9, Điều 5). Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 04 tháng đến 06 tháng (theo Điểm đ, Khoản 12, Điều 5).