Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ôn tập môn Lịch sử thi vào lớp 10: 3 nguyên tắc “vàng”

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những bài tổng kết chương sẽ giúp học sinh giải quyết được các câu hỏi thi ở mức độ tương đối phổ quát và cơ hội đạt điểm 9, 10 cao.

Giờ học Lịch sử tại trường THCS Thanh Xuân. Ảnh: Quỳnh Anh
Sách giáo khoa lớp 9 - kim chỉ nam ôn thi
Ngay khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố Lịch sử là môn thi thứ tư tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020, nhiều học sinh hết sức lo lắng. Lịch sử không được nhiều em trông đợi bởi đặc thù của môn này phải học thuộc và có nhiều mốc sự kiện rất khó nhớ. “Chúng em không học kỹ môn Lịch sử vì có những tiểu tiết vụn vặt. Đến giờ em vẫn chưa biết làm thế nào để hệ thống lại kiến thức môn học khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa kỳ thi chính thức diễn ra” - Nguyễn Hoàng Anh, học sinh lớp 9, trường THCS Cầu Giấy chia sẻ. Để giúp học sinh học và ôn tập Lịch sử, nhiều trường THCS đã tăng thêm 1 - 2 tiết/tuần. Ngoài việc học ở trường, nhiều em tự học ôn theo nhóm, luyện thi tại các trung tâm dẫn dến kiến thức bị nhồi nhét quá nhiều. “Nếu học sinh không biết cách xử lý thông tin sẽ dẫn đến hiệu quả không tốt, thậm chí ảnh hưởng đến kết quả môn Toán, Văn, Ngoại ngữ” - Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Mai - Trưởng phòng đào tạo Hệ thống giáo dục HOCMAI phụ trách môn Lịch sử lưu ý.

Trước thực tế không ít chỗ luyện thi tung tin đề Lịch sử sẽ có trong cả chương trình THCS để lôi kéo học thêm, cô Quỳnh Mai khuyên học sinh cần dựa vào những thông tin chính thống. Đó là hai văn bản đã được Sở GD&ĐT Hà Nội cung cấp, thứ nhất thông tin về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020; thứ hai, dựa vào bộ đề thi tham khảo Sở công bố tháng 10/2018 có cấu trúc như đề thi thật. “Đề thi tham khảo chỉ có trong chương trình lớp 9, gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan làm trong 60 phút. Trong 40 câu hỏi, có 27 câu ở phần lịch sử Việt Nam, 13 câu lịch sử thế giới. Các câu hỏi được ra ở mức độ đơn giản, chỉ yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức đã học. Học sinh nắm vững kiến thức căn bản lớp 9 thì có thể làm được bài thi đạt điểm cao” - cô Quỳnh Mai nói. Nhiều giáo viên Lịch sử cũng khuyến cáo học sinh, phụ huynh không nên mua quá nhiều sách tham khảo, chỉ cần một cuốn của nhà xuất bản uy tín là đủ, sách giáo khoa lớp 9 mới là kim chỉ nam giúp học sinh ôn luyện thi.

Có lộ trình ôn tập

Để lấy được điểm cao môn thi này, theo cô Quỳnh Mai, học sinh lập ra cho mình một lộ trình ôn tập. Trước hết, hệ thống kiến thức Lịch sử theo các vấn đề lớn bằng sơ đồ tư duy để giúp nhớ lâu. Thứ hai, luyện đề thi có giá trị rất tốt bởi thi trắc nghiệm được thiết kế rất nhiều kiến thức và đòi hỏi phải làm xong trong thời gian rất ngắn. Do đó, yếu tố quan trọng nhất để giúp học sinh làm được bài tốt và đạt được điểm số cao chính là kiến thức cộng với kỹ năng và phản xạ làm bài. Không chỉ thế, lâu nay học sinh thường có tâm lý bỏ qua các bài ôn tập chương trong sách giáo khoa. Các em nên thay đổi, chú ý vào những bài ôn tập tổng kết chương, bởi cấu trúc đề thi tham khảo Lịch sử của Sở GD&ĐT Hà Nội gần như không kiểm tra các phần nhỏ lẻ như trước. Đề thi tập trung hỏi những mốc sự kiện lớn hoặc các điểm rất phổ quát để giúp học sinh ghi nhớ được những điểm quan trọng của từng thời kỳ. “Những bài tổng kết chương sẽ giúp học sinh giải quyết được các câu hỏi ở mức độ tương đối khó, có tính chất liên chương. Các câu hỏi này cũng giúp học sinh làm bài thi đạt được điểm 9, 10; nếu nắm vững kiến thức căn bản hoàn toàn được điểm 7, 8” - cô Mai nhấn mạnh.

Thứ ba, một kinh nghiệm được các giáo viên khuyên trong quá trình làm bài thi trắc nghiệm, đó là trong mỗi câu hỏi học sinh cố gắng tìm ra được “Keyword” (từ khóa). Nếu bỏ qua tìm “từ khóa” học sinh sẽ rất dễ trả lời sai hoặc rơi vào phương án nhiễu của người ra đề. Lịch sử chỉ là một trong 4 bài thi (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) học sinh không nên vì lo lắng cho môn này quá mà làm ảnh hưởng đến kết quả chung các môn học khác. Thay vào đó, học sinh cần bình tĩnh tìm hiểu thông tin, vạch ra lộ trình cụ thể và bắt tay vào ôn tập để đạt hiệu quả cao nhất.