Ông Biden ký luật cạnh tranh chip với Trung Quốc

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự luật này nhằm giảm bớt sự thiếu hụt nguồn cung chip - vốn ảnh hưởng đến mọi thứ, từ ô tô, vũ khí, máy giặt và trò chơi điện tử.

Tổng thống Joe Biden hôm 9/8 đã ký một dự luật mang tính bước ngoặt cung cấp 52,7 tỷ USD trợ cấp cho sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn của Mỹ và thúc đẩy các nỗ lực cạnh tranh hơn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Đạo luật Khoa học và CHIPS năm 2022 cùng với Phó Tổng thống Kamala Harris và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Đạo luật Khoa học và CHIPS năm 2022 cùng với Phó Tổng thống Kamala Harris và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ảnh: Reuters.

"Tương lai sẽ hiện diện ở Mỹ", ông Biden nói và khẳng định biện pháp này là "một khoản đầu tư duy nhất trong một thế hệ vào chính nước Mỹ."

Nhà Trắng cho biết việc thông qua dự luật sẽ thúc đẩy các khoản đầu tư chip mới. Lưu ý rằng Qualcomm hôm 8/8 đã đồng ý mua thêm 4,2 tỷ USD chip bán dẫn từ nhà máy GlobalFoundries ở New York, nâng tổng cam kết mua hàng lên 7,4 tỷ USD cho đến năm 2028.

Được coi là bước đột phá lớn hiếm hoi trong chính sách công nghiệp của Mỹ dự luật cũng bao gồm khoản tín dụng thuế đầu tư 25% cho các nhà máy chip, ước tính trị giá 24 tỷ USD.

Dự luật giúp cung cấp 200 tỷ USD trong 10 năm để thúc đẩy nghiên cứu khoa học Mỹ, trong nỗ lực cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc. Quốc hội vẫn sẽ cần thông qua luật trích lập riêng để tài trợ cho những khoản đầu tư này. 

Dự luật này nhằm giảm bớt sự thiếu hụt nguồn cung chip - vốn ảnh hưởng đến mọi thứ, từ ô tô, vũ khí, máy giặt và trò chơi điện tử. Hàng ngàn ô tô và xe tải vẫn đậu ở đông nam Michigan để chờ chip vì tình trạng thiếu hụt tiếp tục ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô. 

Trung Quốc đã vận động hành lang chống lại dự luật bán dẫn. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết Trung Quốc "kiên quyết phản đối", gọi đây là "tâm lý Chiến tranh Lạnh".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần