Tối 2/6 (giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden đã ăn mừng và phát biểu tại Nhà Trắng sau khi lưỡng đảng chấp thuận dự luật nâng trần nợ công.
Trong bài phát biểu tại Phòng Bầu dục, ông Biden nói sẵn sàng ký một thỏa thuận ngân sách ngay trong ngày 3/6 nhằm loại bỏ viễn cảnh về một cuộc vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
“Không ai có mọi thứ họ muốn nhưng người dân Mỹ có được thứ họ cần" - ông Biden đăng trên Twitter ngay sau quyết định của Thượng viện, đồng thời nhấn mạnh “sự thỏa hiệp và đồng thuận” trong thỏa thuận mà ông và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đàm phán trước đó.
Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh: “Chúng tôi đã ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế. Hiện chúng tôi đang cắt giảm chi tiêu và giảm thâm hụt, bảo vệ các ưu tiên quan trọng từ an sinh xã hội, Medicare, trợ cấp y tế cho cựu binh đến các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch".
Cũng trong bài phát biểu, ông Biden ca ngợi Chủ tịch Hạ viện McCarthy và các nhà đàm phán của ông đã hành động một cách thiện chí, còn tất cả lãnh đạo quốc hội đã nỗ lực để luật được thông qua nhanh chóng. “Họ đã rất trách nhiệm và đặt lợi ích đất nước lên trên chính trị” - ông nói thêm.
Trước đó, ngày 1/6, dự luật về trần nợ công và giới hạn chi tiêu của Chính phủ Mỹ đã được Thượng viện thông qua với tỷ lệ áp đảo 63-36, sau khi được Hạ viện ủng hộ và cận kề ngày 5/6 - thời điểm được Bộ Tài chính cảnh báo vỡ nợ.
Với sự chấp thuận của lưỡng đảng tại quốc hội, dự luật sẽ được chuyển lên ông Biden ký vào hôm nay (3/6) nhằm kịp thời ngăn một vụ vỡ nợ có tác động kinh tế toàn cầu.
Theo tờ Theguardian, cuộc bỏ phiếu này đã chấm dứt bế tắc tồi tệ nhất về nợ của Mỹ trong hơn 10 năm, đồng thời chứng khiến Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nhận không ít chỉ trích từ các nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa khi họ cho rằng quá nhiều thứ đã được nhượng bộ khi đàm phán.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders bang Vermont, một trong những người chỉ trích thỏa thuận tránh vỡ nợ, cho biết: “Tôi không muốn bỏ phiếu ủng hộ một dự luật cắt giảm các chương trình trợ cấp đối với những người dễ bị tổn thương nhất trong khi lại từ chối yêu cầu các tỷ phú đóng thêm tiền thuế”.
Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng ngăn chặn một biến động kinh tế lớn có thể ảnh hưởng đến nỗ lực tái tranh cử và củng cố danh tiếng của Tổng thống Mỹ đương nhiệm trên nhiều mặt.
Theo dự luật dài 99 trang này, Mỹ sẽ hạn chế chi tiêu trong 2 năm tới, đình chỉ trần nợ đến tháng 1/2025 và thay đổi một số chính sách - bao gồm áp đặt các yêu cầu công việc mới đối với người lớn tuổi nhận trợ cấp lương thực, bật đèn xanh cho tuyến khí đốt tự nhiên Appalachian mà nhiều đảng viên đảng Dân chủ phản đối.
Dự luật tăng cường ngân sách quốc phòng và trợ cấp cho cựu chiến binh nhưng lại cắt giảm các khoản chi mới cho ngành thuế; bác bỏ lời kêu gọi của Tổng thống Biden về việc hủy bỏ các khoản giảm thuế đối với các tập đoàn và người giàu được đưa ra dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Dự luật cũng áp mức cắt giảm tự động 1% nếu Quốc hội Mỹ không thông qua hóa đơn chi tiêu hằng năm.
Các hạn chế chi tiêu trong thỏa thuận có thể tác động lớn đến người mới tốt nghiệp đại học vì không còn các khoản vay hỗ trợ như thời sinh viên, người thu nhập thấp bị hạn chế phúc lợi hoặc cắt giảm một số dịch vụ.