Không thể “gánh” tăng lương cho 2,8 triệu người
Thưa ông, vừa rồi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất tăng mức lương cơ sở từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng. Ông có thể cho biết quan điểm về vấn đề này, và Nhà nước lấy đâu ra nguồn để trả lương?
- Tôi hoan nghênh ý tưởng của Chính phủ về đề xuất nâng thêm 7 - 8% lương cơ sở, tương ứng 90.000 đồng, từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng. Điều này chứng tỏ Chính phủ đã nhìn thấy đời sống của công chức, viên chức gặp nhiều khó khăn. Khi mức lương được nâng lên sẽ điều chỉnh một phần đời sống của những người làm công ăn lương, về hưu, có công với các mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi. Nâng lương chỉ là một giải pháp tình thế có tác động tới đời sống xã hội nhưng không căn bản và chưa phải cải cách chính sách tiền lương. Nếu chúng ta tăng lương cơ sở thêm 90.000 đồng lên thành 1.300.000 đồng, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của công chức, viên chức.
Theo ông, về lâu dài Nhà nước cần có chính sách gì?
- Chúng ta phải nghiên cứu, cải cách tổ chức bộ máy hành chính công chức, viên chức với khoảng 2,8 triệu người. Trong đó, công chức do Nhà nước quản lý từ T.Ư đến cán bộ xã có 500.000 người đang rất cần được tập trung cải cách tiền lương. 2,3 triệu người còn lại thuộc khu vực dịch vụ công phải chuyển đổi sang mô hình tự chủ kinh doanh theo kết quả đầu ra. Tất nhiên, họ được quyền tuyển dụng lao động. Và Nhà nước trả tiền cho họ khi giao nhiệm vụ, tính theo kết quả đầu ra. Tôi lấy ví dụ, lâu nay, công chức đi trả tiền cho người về hưu. Bây giờ, chúng ta thuê bưu điện trả với chi phí 0,7%, nhưng cam kết đưa tận nơi, đầy đủ và an toàn tuyệt đối.
Còn nếu tăng lương cho cả 2,8 triệu người, ngân sách Nhà nước không thể “gánh” được. Chúng ta phải cải cách toàn diện, căn cơ cả về thang bảng lương, phụ cấp, bội số. Tiền lương cơ sở chính là nhu cầu sống tối thiểu của công chức, viên chức.
Không giao biên chế cho các đơn vị dịch vụ công
Lâu nay, ngân sách Nhà nước khó khăn nên tăng lương ít, trong khi đó lại yêu cầu các DN trả lương cao. Làm sao đảm bảo công bằng giữa người hưởng và trả lương?
- Nâng 7 - 8% không phải cải cách tiền lương cơ sở mà chỉ là giải quyết tình thế đời sống khó khăn cho lương công chức, viên chức. Sở dĩ có chênh nhau với khu vực sản xuất, kinh doanh ngoài Nhà nước là bởi thực hiện theo quy định của pháp luật. Tiền lương tối thiểu theo 4 vùng là để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) và gia đình họ, nhưng hiện nay mới đảm bảo 80 - 90%. Bởi nhiều DN mới chỉ trả lương cho NLĐ bằng mức lương tối thiểu vùng cộng thêm 7% (nếu NLĐ đã qua đào tạo). Tới đây, tiền lương cơ sở khu vực công chức, viên chức tăng lên 1,3 triệu đồng nhưng hệ số thấp nhất là 2,34. Chúng ta mang 2 mức này ra so sánh là khập khiễng bởi cách tính khác nhau.
Ông đánh giá thế nào về con số 700.000 công chức, viên chức làm việc không hiệu quả mà các chuyên gia gần đây đưa ra?
- Tôi nghĩ thực tế có thể cao hơn hoặc bằng. Nhưng, giả sử có câu chuyện đó, rõ ràng 1/3 công chức, viên chức làm việc đạt năng suất thấp, cản trở đến sự phát triển của xã hội. Như vậy lãng phí hàng ngàn tỷ đồng Nhà nước bỏ ra. Đây chính là câu chuyện của 1/3 công chức, viên chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Nhưng đây chỉ là con số dự báo của các chuyên gia. Còn các con số đó thực chất thế nào, Chính phủ chưa trả lời được cho Quốc hội.
Vừa rồi có ý kiến đề nghị khu vực dịch vụ công không cần biên chế?
- Tôi ủng hộ việc không giao biên chế cho các đơn vị trong khu vực dịch vụ công. Những đơn vị này căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ mà Nhà nước giao để xác định cần bao nhiêu người trong từng thời điểm, chứ không thể nuôi mãi bộ máy suốt đời mà không làm gì.
Người ta đã quy định, tuyển bao nhiêu công chức thì phải căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và vị trí việc làm. Còn viên chức ngành y tế, giáo dục phụ thuộc vào nhu cầu phục vụ người bệnh, học sinh để xác định số lượng và Nhà nước khoán kinh phí thực hiện nhiệm vụ đó. Các dịch vụ công khác, Nhà nước sẽ trả tiền dựa trên kết quả sản xuất đạt được, như vậy mới có hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Tại Hội thảo Đối thoại xã hội, năng suất và điều kiện làm việc sáng 24/10, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, Việt |