Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Ông lớn” dầu mỏ của Ả Rập lạc quan về thị trường dầu thế giới

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo tập đoàn dầu quốc gia Ả Rập Saudi Aramco nhận định cung – cầu trên thị trường dầu mỏ sẽ ổn định trong những tháng còn lại của năm nay.

CEO của tập đoàn dầu  Saudi Aramco nhận định cung – cầu trên thị trường dầu mỏ sẽ ổn định trong nhứng tháng tới. Ảnh: Oilprice
CEO của tập đoàn dầu  Saudi Aramco nhận định cung – cầu trên thị trường dầu mỏ sẽ ổn định trong nhứng tháng tới. Ảnh: Oilprice

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị Năng lượng châu Á được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 26/6, Giám đốc điều hành (CEO) Saudi Aramco, ông Amin Nasser, cho biết Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2023.

"Bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế tại một số nước OECD, nền kinh tế của các nước đang phát triển - đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ - tiếp tục đóng góp phần lớn vào tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu hơn 2 triệu thùng/ngày trong năm nay," Reuters dẫn phát biểu của CEO thuộc “ông lớn” dầu mỏ Saudi Aramco.

Lãnh đạo tập đoàn dầu quốc gia Ả Rập cũng nhận định một cách lạc quan rằng tình hình cung – cầu trên thị trường dầu mỏ sẽ ổn định trong những tháng còn lại của năm nay. Trước đó, hồi đầu năm nay, ông Nasser đã cảnh báo thị trường dầu mỏ có thể rơi vào tình trạng mất cân bằng và nhiều khả năng sẽ xảy ra thiếu hụt nguồn cung vào cuối năm.

Theo ông Nasser, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của ngành hóa dầu và vận tải Trung Quốc có thể tăng mạnh, bất chấp tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có dấu hiệu giảm tốc trong thời gian gần đây.

Bình luận về xu hướng chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu, người đứng đầu Saudi Aramco nói rằng ý tưởng loại bỏ hoàn toàn hydrocarbon trong vòng chưa đến 30 năm tới là kế hoạch “ảo tưởng”. Ông cũng nhấn mạnh nguồn cung từ điện gió và mặt trời chưa đáp ứng được nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Ông Nasser đề xuất một số công nghệ carbon thấp được quảng cáo là thay thế cho dầu và khí đốt vốn đắt hơn rất nhiều. Ông cho biết hydro xanh có giá từ 200-400 USD/thùng, cao hơn nhiều so với khoảng 75 USD/thùng dầu thô.

Cũng liên quan đến thị trường “vàng đen”, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ nhảy vọt lên mức 110 triệu thùng/ngày trong khoảng 20 năm tới, đẩy nhu cầu năng lượng của thế giới tăng 23%.

“Dầu mỏ là thứ không thể thay thế trong tương lai gần,” ông Haitham Al Ghais, Tổng thư ký OPEC nêu rõ trong bài phát biểu khai mạc hội nghị Năng lượng châu Á được tổ chức tại Kuala Lumpur.

“Trong dự báo triển vọng toàn cầu, chúng tôi nhận thấy nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên 110 triệu thùng/ngày vào năm 2045,” Tổng thư ký OPEC cho hay và nói thêm rằng, dầu sẽ vẫn chiếm khoảng 29% hỗn hợp năng lượng vào thời điểm đó.

Theo Tổng thư ký OPEC, việc đầu tư dưới mức vào ngành dầu mỏ sẽ chỉ thách thức khả năng tồn tại của các hệ thống năng lượng hiện tại và dẫn đến “sự hỗn loạn năng lượng”.

Trước đó, hôm 12/6 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo rằng, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 6% từ năm 2022 lên 105,7 triệu thùng/ngày vào năm 2028 nhờ vào lĩnh vực hóa dầu và hàng không, trong các điều kiện chính sách và thị trường hiện tại.

Tuy nhiên, theo IEA, tăng trưởng nhu cầu dầu hàng năm sẽ giảm từ 2,4 triệu thùng/ngày trong năm nay xuống còn 400.000 thùng/ngày vào năm 2028.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhấn mạnh: “Việc chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch đang tăng tốc, trong đó nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh trước cuối thập kỷ này khi xe điện, hiệu suất năng lượng và các công nghệ khác phát triển”.

Tương tự, theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng toàn cầu ước tính sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ là 2,2% mỗi năm từ nay đến năm 2030, giảm từ mức 2,6% trong giai đoạn 2011-2021.

Ông Al Ghais thừa nhận rằng, năng lượng tái tạo sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong hỗn hợp năng lượng của thế giới trong tương lai và khẳng định rằng một số quốc gia thành viên OPEC “đã đầu tư đáng kể” vào khu vực này. Ông lưu ý thêm: “Chúng tôi thấy nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng 23% cho đến năm 2045. Hydro khí, hydro hạt nhân và sinh khối sẽ mở rộng. Nhưng rõ ràng là dầu vẫn là một phần không thể thiếu trong hỗn hợp”.