Trong tâm thức của nhiều người dân, chuyên gia kinh tế, trong thời làm Thủ tướng Chính phủ, ông Phan Văn Khải đã có nhiều đóng góp cho đất nước và là người có tầm nhìn chiến lược, góp phần quan trọng vào sự phát triển của hệ thống kinh tế nước nhà.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn được đánh giá cao, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam trong những năm tháng khó khăn của thời kỳ đầu hội nhập và mở cửa.
Tiến sĩ Vũ Quốc Tuấn, Thành viên Ban cố vấn của nguyên Thủ tướng chia sẻ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người được đào tạo bài bản, làm việc có nề nếp, đặc biệt là biết lắng nghe.
Ông thường xuyên làm việc với Ban nghiên cứu, mỗi tuần làm việc một lần để lắng nghe những góp ý, tư vấn, đặc biệt là tìm những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngay từ năm đầu tiên khi luật doanh nghiệp năm 2000 có hiệu lực, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã xóa bỏ hơn 240 giấy phép con. Mặc dù để xóa bỏ được những giấy phép này không đơn giản, phải làm việc với các Bộ, ngành, đôi khi phải đấu tranh rất quyết liệt mới bỏ được.
Tiến sĩ Vũ Quốc Tuấn cho biết, nguyên Thủ tướng là người đầu tiên ký Nghị định phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, năm 2001, Nghị định đầu tiên về doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ta do ông Phan Văn Khải ký theo sáng kiến của Ban nghiên cứu lúc bấy giờ.
Trong suốt thời kỳ ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng, được giới doanh nghiệp, doanh nhân gọi là "Thủ tướng của doanh nghiệp". Ông cũng là người đầu tiên tổ chức nhiều hoạt động, mở ra những vấn đề tháo gỡ khó khăn, tháo bỏ giấy phép con cho doanh nghiệp.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, giai đoạn ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng, ông đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hàng loạt doanh nghiệp được hình thành và phát triển.
Đó là việc Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999, nhiều giấy phép con được bãi bỏ, hàng loạt thủ tục hành chính được cắt giảm, nhiều thỏa thuận hợp tác mở cửa kinh tế thị trường...
Đặc biệt, trong quá trình làm việc nguyên Thủ tướng luôn có sự điều hành linh hoạt, khoa học, chủ động, vì vậy đã đưa đất nước vượt khủng hoảng vào thời điểm năm 1997. Khi đó, kinh tế Châu Á bị khủng hoảng tài chính trên diện rộng, song nước ta không bị ảnh hưởng nhiều so với các nước Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Từ đó, tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài.
Trong quá trình điều hành đất nước của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đặc biệt là thời kỳ đất nước vướng vào cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, với sự điều hành chủ động về kinh tế vĩ mô nên đất nước đã vượt qua được khủng hoảng.
Thủ tướng cắt giảm trên 60% các giấy phép con, tiết giảm các thời gian bằng việc nâng cao đội ngũ công chức viên chức. Tạo được nhiều sân chơi cho đầy đủ các mô hình của các doanh nghiệp.
Ông Tô Ngọc Sơn, Cụm 3 Thị trấn Phúc Thọ, Hà Nội cho rằng, Thủ tướng Phan Văn Khải là một con người có tư cách, tri thức, tấm lòng yêu nước đáng được trân trọng, không xa hoa lãng phí.
Với cương vị là Thủ tướng trong giai đoạn hầu như kinh tế của các nước, nhất là các nước Đông Nam Á đang bị suy thoái năm 1997 rất mạnh, nhưng ông đã có sự điều hành hợp lý nên đã vực được nền kinh tế của đất nước bước đầu, giai đoạn đầu đổi mới đã hòa nhập với quốc tế. Đây là thành tích rất đáng ghi nhận.
Từng nhiều năm được làm việc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chia sẻ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người trầm tính, có trách nhiệm cao, giải quyết công việc thận trọng, tinh thần làm việc đến cùng.
Sau khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, doanh nghiệp - doanh nhân, môi trường kinh doanh chính là một trong những phương châm ưu tiên của ông nhằm tháo gỡ khó khăn tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển. Ông luôn xác định xây dựng hệ thống pháp luật đưa nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường, là nền tảng quan trọng nhất để đất nước phát triển.
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, Thủ tướng Phan Văn Khải là người thực hiện triển khai rộng rãi các cơ chế để thực hiện đổi mới để hội nhập nhanh với nước ngoài. Đặc biệt các biện pháp học tập kinh nghiệm, triển khai kinh nghiệm, chuẩn bị những yếu tố trong nước để đảm bảo hội nhập nhất là trong lĩnh vực tài chính tiền tệ.
Những lĩnh vực đang cần để phát triển nhanh như: luật lệ, công nghệ, đào tạo cán bộ những điều cần để hệ thống tài chính tiền tệ của Việt Nam đổi mới nhanh, tạo nên bước đột phá để dẫn dắt và cởi mở với nền kinh tế.
Có thể nói, lịch sử kinh tế của đất nước có sự đóng góp công sức của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải như một nhà lãnh đạo có nhiều ý tưởng, công lao cải cách, hội nhập. Một người kế thừa, xây dựng nên nền móng kinh tế vững chắc để đất nước ta hội nhập sâu rộng, phát triển vươn xa toàn thế giới. Qua đó góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước ngày càng hiện đại, văn minh.