Chuyến đi của ông Tập tới Riyadh sẽ bao gồm hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Ả Rập và hội nghị Trung Quốc-GCC, theo các nguồn tin.
Ít nhất 14 nguyên thủ quốc gia Ả Rập dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Ả Rập, theo nguồn tin ngoại giao Ả Rập. Chuyến đi được mô tả là một “cột mốc” cho quan hệ Ả Rập-Trung Quốc.
Trung Quốc tranh thủ "mắt xích yếu"?
Theo FT, chuyến thăm đầu tiên của ông Tập tới Ả Rập Saudi sau 6 năm là một phần trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ của Trung Quốc với vùng Vịnh, 5 tháng sau khi Mỹ cảnh báo Bắc Kinh rằng họ sẽ không nhường Trung Đông cho họ hay bất kỳ ai khác.
Chuyến thăm cũng làm nổi bật kỳ vọng của Trung Quốc nhằm tăng cường liên kết trong một khu vực mà theo truyền thống, Washington coi là thuộc phạm vi ảnh hưởng của mình.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Ả Rập Xê Út đang vướng vào cuộc tranh cãi gay gắt về sản lượng dầu, mà vào tháng 10 đã lên đến đỉnh điểm với cáo buộc lẫn nhau khi liên minh dầu mỏ, do Ả Rập Xê Út dẫn đầu OPEC + cắt giảm sản lượng hai triệu thùng mỗi ngày trong nỗ lực “bình ổn” giá . Quyết định được đưa ra bất chấp phản đối mạnh mẽ từ Mỹ, thậm chí việc Ả Rập là một trong những đồng minh thân cận của Mỹ trong tám thập kỷ qua.
Mặt khác, là “ông lớn” kinh tế ở phía đông, Trung Quốc mâu thuẫn với Mỹ về vấn đề Đài Loan. Chủ đề gai góc này đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ bấp bênh giữa Washington và Bắc Kinh, những bên đang tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông đầy biến động.
Khi các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh cáo buộc Washington chậm trễ trong việc đảm bảo an ninh trong khu vực, Trung Quốc đã củng cố mối quan hệ với các chế độ quân chủ vùng Vịnh, cũng như với đối thủ của Mỹ là Iran và Nga.
Cả Trung Quốc và Ả-rập Xê-út cũng có lập trường khác với phương Tây liên quan đến cuộc chiến Ukraine. Cả hai đều kiềm chế không tán thành các biện pháp trừng phạt đối với Nga và Riyadh đã nhiều lần khẳng định rằng Moscow là đối tác sản xuất năng lượng quan trọng cần được tham khảo ý kiến về các quyết định của OPEC+. Sau đợt cắt giảm dầu lớn vào tháng trước, một số quan chức Mỹ đã cáo buộc Ả Rập Saudi đứng về phía Nga và hỗ trợ Tổng thống Vladimir Putin trong chiến sự tại Ukraine. Hồi tháng 10, ông Biden cho biết, Mỹ phải “suy nghĩ lại” về mối quan hệ với Ả Rập Saudi, mối quan hệ hai bên dường như đã cố gắng hàn gắn trong chuyến thăm Riyadh vào tháng 7.
Biến chuyển trong cục diện ảnh hưởng ở Trung Đông
Bất chấp cam kết của tổng thống Mỹ, quan điểm ở vùng Vịnh là Mỹ ngày càng trở nên xa cách khi nước này chuyển trọng tâm sang các khu vực khác – và Trung Quốc là một trong những bên quan tâm nhất đến viễn cảnh bù đắp khoảng trống ảnh hưởng.
Gedaliah Afterman, chuyên gia về Trung Quốc và Trung Đông tại Viện Ngoại giao và Quan hệ Đối ngoại Abba Eban ở Israel nhận định: "Cứ mỗi 10 mét [Trung Quốc] xoay sở để điều hướng Saudi theo họ không chỉ là một chiến thắng, mà còn là một chiến thắng kép, bởi vì mặt khác kéo Saudi ra xa Mỹ hơn.”
Các quan chức vùng Vịnh vẫn khẳng định họ nâng cao cảnh giác trước khả năng bị cuốn vào bất kỳ tranh chấp nào giữa Trung Quốc và Mỹ, vì họ phải duy trì quan hệ với cả cặp đôi này.
Cả Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đều tin tưởng vào Washington với tư cách là nhà cung cấp thiết bị quân sự và an ninh - điều mà Trung Quốc khó có thể lấp đầy. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được các nước này xích lại gần Bắc Kinh hơn trong hợp tác thương mại, công nghệ và thậm chí cả công nghệ tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái có vũ trang.
Nissa Felton, quản lý cấp cao của hãng tư vấn Janes IntelTrak, nhận định, dù Trung Quốc hiện không phải là mối đe dọa đối với vai trò lịch sử của Mỹ ở tư cách là nhà cung cấp an ninh khu vực, nhưng “sự hợp tác rộng lớn hơn này - sự sẵn sàng đồng bộ hóa chính sách đối ngoại của Trung Quốc với các chương trình nghị sự trong nước [của các quốc gia vùng Vịnh] - báo hiệu sự cởi mở để đa dạng hóa các mối quan hệ truyền thống của các quốc gia này với Mỹ."