Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Trump và hành trình thu phục nhân tâm

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thắng lợi bất ngờ của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, những thành viên đảng Cộng hòa từng phản đối tỷ phú này đã bắt đầu thay đổi thái độ.

Các nhân vật nổi tiếng trên chính trường, thương trường thế giới bắt đầu có những phản ứng thích nghi với lập trường của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
 Ông Trump bắt đầu tạo ảnh hưởng đến nước Mỹ và thế giới.
Trong nội bộ đảng Cộng hòa, các nhân vật từng chỉ trích ông Trump nặng nề nhất giờ cũng dành những lời có cánh cho Tổng thống đắc cử. Điển hình như ông Mitt Romney - người từng phản đối ông Trump mạnh mẽ nhất trong đảng Cộng hòa từng cảnh báo, tỷ phú Trump có thể đẩy đất nước vào tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử, ông Romney đã dần thay đổi thái độ, "hạ tông" các phát ngôn để xóa bỏ hiềm khích cũ. Gần đây nhất, sau bữa tối giữa 2 người hôm 29/11, ông Romney ca ngợi, tầm nhìn của Tổng thống đắc cử "đã kết nối người dân Mỹ một cách mạnh mẽ". Những tuyên bố mềm mỏng và thái độ sẵn sàng hợp tác của ông Romney đã được đền đáp xứng đáng khi Tổng thống đắc cử xem xét bổ nhiệm chính trị gia này làm Ngoại trưởng - một trong những vị trí chủ chốt và quan trọng nhất của chính quyền.

Việc nhân vật đối lập như ông Mitt Romney quay sang ủng hộ Donald Trump là bằng chứng cho thấy tỷ phú đang hoàn tất quá trình thu phục đảng Cộng hòa. Tờ Washington Post cũng nhận định, hiện tại, phần lớn những thành viên khác thuộc đảng Cộng hòa cũng bắt đầu thể hiện cái nhìn khác về ông Trump. Ngoài ông Romney, có thể kể đến ứng cử viên sáng giá cho vị trí Giám đốc Cơ quan tình báo TƯ (CIA) Mike Pompeo. Thượng nghị sĩ Pompeo vốn không ủng hộ Trump ngay từ đầu trong chiến dịch tranh cử, nhưng sau đó về phe vị tỷ phú khi ông trở thành đại diện chính thức của đảng Cộng hòa tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng.
Hiện, chỉ còn rất ít thành viên chủ chốt của đảng Cộng hòa công khai phản đối ông Trump như Thượng nghị sĩ John McCain, Jeff Flake, Lindsey O. Graham và Rand Paul. Tuy nhiên, các phát ngôn phản đối của các chính trị gia này vẫn còn nhỏ lẻ và không tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ. Theo cây bút bình luận Peter Becker của Washington Post, những tiếng nói phản đối ông Trump sẽ giảm đi theo thời gian, bởi các nghị sĩ có đủ sự khôn ngoan để nhận ra rằng không có ích lợi gì khi đối đầu với ông chủ Nhà Trắng. 
Trên chính trường thế giới, để đối phó lại chính sách của ông Trump, chính phủ các nước đang phải điều chỉnh lại các chính sách về mậu dịch, quốc phòng và nhập cư. Đúng như bình luận viên Peter Becker nhận định, chiến thắng của ông Trump dần định hình, hoặc ít nhất cũng đang trong quá trình định hình các sự kiện thế giới. 

Chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây bổ nhiệm Jose E.B. Antonio, một ông trùm bất động sản đang tham gia dự án xây dựng Tháp Trump tại Manila, làm đại diện thương mại của Philippines tại Mỹ, trong nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác với đội ngũ của ông Trump. Còn chính quyền Anh sau khi thẳng thừng từ chối đề xuất chỉ định ông Nigel Farage, một lãnh đạo phong trào Brexit (Anh rút khỏi Liên minh châu Âu), làm đại sứ tại Mỹ của ông Trump, London vẫn để ngỏ khả năng ông Farage sẽ sang Mỹ để giữ một cương vị nào đó. Trong khi đó, lãnh đạo các nước đồng minh của Mỹ trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang xem xét kế hoạch tăng ngân sách quân sự để đáp ứng với yêu cầu buộc các thành viên trong khối phải san sẻ bớt gánh nặng chi tiêu với Mỹ của ông Trump.