Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

OPEC+ chấm dứt bất đồng về chính sách sản lượng

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các bộ trưởng Năng lượng của OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8 - 12/2021, qua đó bổ sung tổng cộng 2 triệu thùng dầu/ngày vào nguồn cung toàn cầu cho tới cuối năm.

Các nhà phân tích cho rằng việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+ đạt thỏa thuận tăng sản lượng từ tháng 8 tới không chỉ giúp gạt bỏ lo ngại về thiếu hụt nguồn cung, mà còn giải quyết xong mâu thuẫn nội bộ khiến liên minh có lung lay thời gian gần đây.
Nhóm OPEC+ hôm 18/7 đã đạt thỏa thuận tăng sản lượng từ tháng 8 tới. Ảnh: CNBC
Ngày 18/7, các bộ trưởng Năng lượng của OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8 - 12/2021, qua đó bổ sung tổng cộng 2 triệu thùng dầu/ngày vào nguồn cung toàn cầu cho tới cuối năm.

Ngoài ra, OPEC+ đã đồng ý chương trình phân bổ sản lượng mới từ tháng 5/2022 và giải quyết bất đồng giữa Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), về sản lượng cơ sở, khi UAE muốn nâng ngưỡng cơ sở hạn ngạch sản lượng của mình.
Sự ủng hộ của Abu Dhabi đối với thỏa thuận được thể hiện rõ trong tuyên bố của Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al Mazroui, tại cuộc họp lần thứ 19 của các bộ trưởng dầu mỏ OPEC+ hôm 18/7. “Chúng tôi đánh giá cao cuộc đối thoại mang tính xây dựng mà chúng tôi đã có với điện hạ và OPEC,” Al Mazroui nói với các nhà báo trong cuộc gọi báo chí hôm Chủ nhật, đề cập đến Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman. Bộ trưởng Al Mazroui cho biết thêm: “Tôi xác nhận rằng UAE cam kết với nhóm này và sẽ luôn làm việc với nó và trong nhóm này sẽ làm hết sức mình để đạt được sự cân bằng thị trường và giúp đỡ tất cả mọi người. UAE sẽ vẫn là một thành viên cam kết trong liên minh OPEC”.
Theo thỏa thuận mới đạt được, ngưỡng sản lượng dầu cơ sở của UAE sẽ tăng thêm khoảng 332.000 thùng/ngày từ tháng 5/2022, trong khi ngưỡng sản lượng dầu cơ sở của Ả Rập Saudi và Nga sẽ tăng 500.000 thùng/ngày, còn Iraq và Kuwait tăng 150.000 thùng/ngày. OPEC+ cũng có kế hoạch chấm dứt tất cả yêu cầu hạn chế sản lượng vào tháng 9/2022, song mục tiêu này còn phụ thuộc vào tình trạng của thị trường dầu toàn cầu vào khoảng thời gian đó. Các thành viên của liên minh vẫn sẽ tiến hành thảo luận hàng tháng, bao gồm một cuộc rà soát thị trường vào tháng 12.
Trước đó, mâu thuẫn giữa Ả Rập Saudi và UAE về sản lượng cơ sở đã khiến kế hoạch nới lỏng nguồn cung của OPEC+ rơi vào bế tắc. So với trước khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, sản lượng khai thác dầu của OPEC+ hiện đang thấp hơn 5,8 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, bất đồng này cũng được xem là một thách thức với sự đoàn kết của liên minh OPEC+.
Sau khi leo dốc 43% trong nửa đầu năm nay OPEC+ cắt giảm gần 10 triệu thùng/ngày từ tháng 4/2020, giá dầu thế giới đã biến động mạnh trong những tuần đầu tháng 7 này. Tranh cãi giữa hai thành viên chủ chốt trong OPEC+ khiến các nhà đầu tư gia tăng lo ngại về sự sụp đổ của thỏa thuận cắt giảm sản lượng, trong khi biến chủng Delta phủ bóng lên thị trường năng lượng.
Giới chuyên gia nhận định thỏa thuận mới nhất của OPEC+ không nhất thiết sẽ chấm dứt đà tăng giá của “vàng đen”, nhưng nó sẽ làm thay đổi nguồn cung trên thị trường. Chuyên gia Helima Croft  tại trung tâm RBC cho biết, thỏa thuận này đã chấm dứt lo ngại về sự bế tắc trong chính sách điều hành khiến OPEC+ không sớm bổ sung nguồn cung cho thị trường.
Trong khi đó, phát biểu với kênh CNBC ngày 19/7, ông Andy Lipow - Chủ tịch Oil Associates cảnh báo: “Theo tôi, nếu OPEC+ không đạt được thỏa thuận tăng sản lượng, liên minh này có thể đối mặt với cuộc chiến sản lượng, khi đó các nước thành viên cùng tăng tốc sản xuất dầu mỏ vào thời điểm biến thể Delta đang phủ bóng triển vọng phục hồi nhu cầu./.