Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

OPEC+ sẽ khiến Mỹ “phật lòng” khi giữ nguyên sản lượng dầu?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều đồn đoán cho rằng OPEC+ sẽ không tăng sản lượng dầu, thay vì bơm mạnh để giảm giá nhiên liệu theo lời kêu gọi của Washington.

OPEC+ nhiều khả năng sẽ giữ nguyên chính sách sản lượng dầu mỏ trong cuộc họp diễn ra từ ngày 30/1 đến 1/2 tới. Ảnh: AP
OPEC+ nhiều khả năng sẽ giữ nguyên chính sách sản lượng dầu mỏ trong cuộc họp diễn ra từ ngày 30/1 đến 1/2 tới. Ảnh: AP

Theo kế hoạch, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sẽ nhóm họp trực tuyến từ ngày 31/1 đến 1/2 để xem xét sản lượng dầu thô, với nhiều đồn đoán không có sự thay đổi nào trong chính sách sản lượng hiện tại.

“Chúng tôi tin rằng OPEC+ sẽ giữ nguyên chính sách sản lượng dầu mỏ khi kết thúc cuộc họp trong tuần này” - Reuters dẫn báo cáo của các nhà phân tích tại Ngân hàng Quốc gia Australia.

Theo các nhà phân tích, thị trường năng lượng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào những tuyên bố của lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại cuộc họp chính sách vào đầu tháng 2 tới.

Reuters cho biết, trong cuộc họp sắp tới OPEC+ sẽ thảo luận về triển vọng phục hồi nhu cầu dầu của Trung Quốc, nhưng vẫn cho rằng thị trường dầu mỏ trong ngắn hạn sẽ cân bằng bất chấp nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc tăng mạnh.

Phát biểu với báo giới bên lề một sự kiện ở Abu Dhabi hôm 16/1 vừa qua, Bộ trưởng Năng lượng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Suhail al-Mazrouei khẳng định cung-cầu trên thị trường dầu mỏ hiện đang cân bằng

Hôm 17/1, OPEC đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2023, bất kể triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới là Trung Quốc.

Trong báo cáo hằng tháng về thị trường dầu mỏ công bố ngày 17/1, OPEC dự báo nhu cầu dầu thô của thế giới sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm 2023, thấp hơn so với mức 2,5 triệu thùng/ngày của năm 2022. Báo cáo OPEC nêu rõ: "Mức dự báo này vẫn bị chi phối bởi các yếu tố, như triển vọng không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu, sự thay đổi chính sách chống dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị".

Vào đầu tháng 10 năm ngoái, liên minh dầu mỏ do Nga và Ả Rập Saudi dẫn đầu đã khiến Mỹ và các quốc gia phương Tây thất vọng khi quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày, thay vì bơm mạnh dầu mỏ để giảm giá nhiên liệu và hỗ trợ kinh tế toàn cầu phục hồi theo lời kêu gọi của Washington. Sau đó, kết thúc cuộc họp chính sách vào tháng 12/2022, OPEC+ đã quyết định giữ nguyên mức sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày, trong bối cảnh thị trường không ổn định do tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu thô của Nga.

Cuộc họp chính sách sắp tới diễn ra trong bối cảnh giá dầu đã phục hồi lên mức 90 USD/thùng nhờ kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc tăng trở lại.

Tuy nhiên, giá dầu thế giới biến động trái chiều trong tuần qua, trước khi Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) áp trần giá đối với các sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga từ ngày 5/2 tới. 

Những dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu dồi dào của Nga đã lấn át dữ liệu khả quan của kinh tế Mỹ và hy vọng về sự phục hồi nhu cầu nhanh chóng của Trung Quốc.

Mức tải dầu từ các cảng Baltic của Nga dự kiến tăng 50% trong tháng này so với tháng 12/2022, nhằm đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ ở châu Á và hưởng lợi từ sự gia tăng giá năng lượng toàn cầu. Chuyên gia John Kilduff, Đối tác tại Again Capital LLC, nhận định: “Nếu nguồn cung của Nga vẫn mạnh trong tháng tới, giá dầu có thể sẽ tiếp tục xu hướng giảm”.