OPEC+ trước sức ép không để giá dầu mỏ tăng quá “nóng”

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà phân tích năng lượng cho rằng, trong thời điểm hiện tại, các nước OPEC+ cần thay đổi chính sách điều hành sản lượng hợp lý, chuyển từ nỗ lực tái cân bằng cung cầu trong hơn 1 năm qua, sang tăng dần lượng dầu bán ra.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ, cùng các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, đã nhất trí sẽ duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại đến tháng 5/2022. Tuy nhiên, liên minh này có thể sẽ phải điều chỉnh chính sách điều hành sản lượng tại cuộc họp vào ngày 1/7 tới để ngăn giá dầu tăng “quá nóng”, cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Giá dầu đã tăng hơn 40% kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: CNBC
Giá dầu vừa ghi nhận 4 tuần leo dốc liên tiếp, với giá dầu Brent chốt tuần ở mức 73,51 USD/thùng, tăng khoảng 1,1%, còn giá dầu WTI đạt 71,64 USD/thùng, cũng cộng hơn 1% trong tuần qua. Trong phiên giao dịch ngày 21/6, giá “vàng đen” tiếp tục đi lên sau khi vòng đàm phán thứ sáu nhằm khôi phục Thỏa thuận Hạt nhân Iran bị hoãn, báo hiệu nguồn cung từ thành viên OPEC chưa thể gia nhập thị trường.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã tăng hơn 40% khi nhiều nền kinh tế lớn nới lỏng lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế sau khi tiến hành tiêm chủng vaccine thần tốc. Nhu cầu năng lượng phục hồi mạnh, đặc biệt là ở Mỹ, châu Âu và một phần châu Á. Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết, triển vọng nhu cầu phục hồi trong mùa hè ở khu vực Bắc bán cầu quá mạnh đến mức thị trường ngày càng lo ngại về việc hàng tồn kho tiếp tục giảm mạnh.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác khiến giá dầu lập mức đỉnh trong nhiều năm hồi tuần trước là do các nước OPEC+ tiếp tục thắt chặt nguồn cung để tránh thặng dư khi kinh tế toàn cầu hồi phục. Hồi tháng 4, OPEC + đã nhất trí giảm dần việc cắt giảm sản lượng dầu trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay.
Trong cuộc họp vào ngày 1/6, OPEC+ xác nhận tiếp tục duy trì chủ trương này.  Sản lượng dầu của OPEC trong tháng 5/2021 tăng 390.000 thùng/ngày lên 25,46 triệu thùng/ngày. Cũng trong báo cáo mới nhất, OPEC giữ nguyên ước tính lượng dầu cần bơm trong năm nay ổn định ở mức 27,7 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu toàn cầu năm nay dự kiến sẽ chỉ tăng 1,3 triệu thùng/ngày, trong khi nhu cầu có thể tăng tới 5,9 triệu thùng/ngày so với năm ngoái. Trong khi đó, nguồn cung dầu mỏ từ các nước ngoài OPEC trong năm 2021 ước tính không thay đổi. Sản lượng dự báo sẽ tăng nhẹ ở Brazil và Nauy, bù đắp cho sản lượng giảm ở Mỹ. Theo dự báo của OPEC, sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm 2021 sẽ giảm 120.000 thùng/ngày xuống còn 11,2 triệu thùng/ngày.
Trước tình trạng giá dầu tiếp tục tăng đột biến do thiếu hụt nguồn cung, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây kêu gọi nhóm OPEC+ tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu dầu tăng mạnh, sẽ phục hồi về mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2021. IEA cho rằng các nhà cung cấp dầu cần nâng sản lượng để nhu cầu dầu toàn cầu được đáp ứng đầy đủ.
Các nhà phân tích năng lượng cho rằng, trong thời điểm hiện tại, các nước OPEC+ cần thay đổi chính sách điều hành sản lượng hợp lý, chuyển từ nỗ lực tái cân bằng cung cầu trong hơn 1 năm qua, sang tăng dần lượng dầu bán ra và giành thị phần khi nguồn cung của Mỹ cũng tăng trưởng trở lại. Trên thực tế, OPEC+ hiểu được "giới hạn" của trò chơi ép giá, bởi giá tăng quá cao sẽ làm chậm lại đà hồi phục kinh tế thế giới. Theo Wood Mackenzie, giá dầu phù hợp là ở mức khoảng 70 USD/thùng.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz Bin Salman tuần trước nói rằng, nhiệm vụ khó khăn của vương quốc dầu mỏ cùng các nước thành viên OPEC+ trong việc điều chỉnh chính sách sản lượng là phải đảm bảo tránh để lặp lại kịch bản giá dầu giảm sốc như đã từng xảy ra vào tháng 4/2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần