Mặc dù nhu cầu thuê người giúp việc gia đình tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng công việc này vẫn chưa được coi là một nghề chính thức. Người giúp việc gia đình làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm và phần lớn chưa qua đào tạo nghề (98,4%). Do đó, bảo vệ quyền của lao động giúp việc và xây dựng chính sách cho nhóm lao động này là việc rất cần thiết.
Để lại gia đình mình, đi chăm người khác
Đã hơn 10 năm nay, chị Vũ Thị H. ở Ý Yên (Nam Định) xa chồng con lên Hà Nội đi làm giúp việc gia đình. Chị H. kể: Chị đã giúp việc cho 3 gia đình, làm nhiều công việc khác nhau như: trông trẻ, chăm người già ốm đau, đưa đón trẻ đi học, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, đi chợ, đấm lưng cho bà cụ… Một ngày làm việc của chị thường bắt đầu từ tờ mờ sáng và khi gia chủ đi ngủ, chị cũng kết thúc chuỗi công việc không tên của mình.
Theo chị H., giúp việc gia đình là công việc tương đối phù hợp với phụ nữ nông thôn như chị, với mức lương 4 triệu đồng một tháng hiện nay, trong khi hàng ngày ăn cơm cùng chủ nhà, được bố trí phòng ngủ riêng, chị H. vẫn dành được khoản tiền gửi về cho chồng nuôi con. “Tất nhiên xa chồng con ai cũng nhớ, mong về đoàn tụ, nhưng ở nhà ngoài 2 sào ruộng, chẳng có nguồn thu nhập nào khác, cho nên lên Hà Nội làm giúp việc gia đình là phù hợp” - chị H. nói.
Chị H. là một trong số đông đảo phụ nữ làm nghề giúp việc gia đình tại Hà Nội. Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có tới 98,7% số người giúp việc tại các thành phố lớn là nữ, khoảng 1/3 trong đó này là góa chồng, ly hôn hay không có chồng con. Giống như chị H., người giúp việc gia đình đi làm công việc chăm sóc cho thành viên của gia đình người khác, nhưng họ lại bỏ đằng sau là chính gia đình mình. Nhà cửa ở quê không có người dọn dẹp, chồng con thiếu vắng bàn tay của người phụ nữ sẽ kéo theo những hệ quả khác như con cái nheo nhóc, chồng bê tha…
Bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng cho biết: Nhu cầu đối với lao động người giúp việc gia đình trên thế giới và ở nước ta đang ngày càng gia tăng. Loại hình lao động này mang đặc trưng giới rất rõ ràng. Tuy nhiên, những người phụ nữ nông thôn này vẫn bị đánh giá thấp và ít được pháp luật bảo vệ.
Giúp việc gia đình còn bị mang nặng định kiến giới, bởi nó phù hợp với khả năng của phụ nữ. Người giúp việc gia đình thường được trả tiền công theo thỏa thuận, thiếu những quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, họ không được hưởng quyền lợi của người lao động như đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
Luật hóa nghề giúp việc gia đình như thế nào?
Tại cuộc hội thảo “Lao động giúp việc gia đình và chính sách pháp luật liên quan”, do Vụ Báo chí - xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, tổ chức ngày 21/12 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, tại nước ta, thu nhập của người giúp việc gia đình khá ổn định và không thấp hơn các nghề khác.
Tại Hà Nội, lương trung bình của một người giúp việc là khoảng 2,8 triệu đồng/tháng (năm 2012), trong khi thu nhập bình quân của người dân sống tại khu vực nông thôn ngoại thành là 1,4 triệu đồng/tháng và một cử nhân đại học mới ra trường là khoảng 2 triệu đồng/tháng. Đặc biệt dịp trước và sau Tết nguyên đán, tình trạng “khan hiếm” người giúp việc trở nên bức xúc hơn bao giờ hết và nhiều gia đình phải trả khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, nhưng cũng không tìm được người ưng ý.
Theo ILO, dự báo số lượng việc làm trong ngành “hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình” năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 63% so với năm 2008. Do đó, việc luật hóa vấn đề lao động giúp việc gia đình là rất cần thiết để bảo vệ người lao động cũng như quản lý các cơ sở môi giới, đào tạo.
Ông Nguyễn Hữu Minh, Viện nghiên cứu gia đình và giới cho biết, qua khảo sát có tới 91,5% hợp đồng giữa chủ nhà và người giúp việc là “hợp đồng miệng”. Trong khi người giúp việc chưa thấy được lợi ích của việc ký hợp đồng và không muốn bị trói buộc vào một gia đình, thì gia chủ cũng không muốn chịu trách nhiệm và bị ràng buộc về mặt pháp lý.
ILO khuyến cáo, hợp đồng bằng văn bản sẽ bảo đảm lợi ích cho các bên. Trong trường hợp không có hợp đồng, người giúp việc dễ bị lạm dụng do thời gian làm việc kéo dài, khó phân định thời gian. Thỏa thuận rõ ràng về các chế độ sẽ đảm bảo lợi ích cho cả hai bên, tránh trường hợp, người giúp việc muốn về quê trong khi gia chủ đang bí.
Cũng theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, chỉ có 2% người giúp việc được gia chủ mua cho bảo hiểm y tế và 0,83% người giúp việc được gia chủ mua cho bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, mục 2, điều 181 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ: Người sử dụng lao động “trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật, để người lao động tự do bảo hiểm. Tuy nhiên, với điều khoản này, ít gia chủ và người giúp việc biết đến và hầu như không thể thực hiện được.
Bà Ngô Thị Ngọc Anh cũng cho biết thêm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân đã cam kết sẽ đưa danh mục lao động giúp việc gia đình vào danh mục nghề quốc gia. Khi đó, giúp việc gia đình sẽ chính thức trở thành một nghề, người lao động sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo pháp luật như được đào tạo nghề, cấp chứng chỉ hành nghề… và sẽ tránh được những kỳ thị, phân biệt từ xã hội.
Kinhtedothi - Phụ nữ giúp việc gia đình hy sinh cho gia đình mình để chăm sóc gia đình người khác. Ảnh minh họa |