Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ôtô "made in VietNam" - Những cơ hội bỏ lỡ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hy vọng cuối cùng cho việc thực hiện Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2010, tầm nhìn 2020 là Dự án Động cơ ô tô Chu Lai - Trường Hải đã tan vỡ. Đánh dấu một trong nhiều cơ hội bỏ lỡ để phát triển ô tô "made in VietNam".

Dự án tham vọng đổ vỡ

Thông tin không nhiều người biết, hay nói đúng hơn là có thể biết mà không muốn công bố, đó là cuối tháng 12/2014, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) đã chính thức thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của Dự án Nhà máy Sản xuất và Chế tạo động cơ Chu Lai - Trường Hải.

Đây không chỉ là điều mà chủ đầu tư phải ‘ngậm đắng’ và còn là “cú đấm” đối với những hy vọng cuối cùng cho việc thực hiện Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2010, tầm nhìn 2020, được cho là đã “thất bại”.

 
Công nghiệp ô tô tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức
Công nghiệp ô tô tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức
Dự án Nhà máy Sản xuất và Chế tạo động cơ Chu Lai - Trường Hải ngay từ khi mới được đề xuất và xin chủ trương đầu tư, cũng như sau khi được khởi công rầm rộ vào ngày 22/6/2012, đã được kỳ vọng phát triển công nghiệp phụ trợ để từ đó nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Rồi sản phẩm của Nhà máy sẽ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất ô tô của Hyundai. Thậm chí, Dự án còn được cho là bước khởi đầu cho chiến lược “tham gia sâu, mạnh vào chuỗi giá trị sản xuất ô tô toàn cầu để tiêu thụ không chỉ ở thị trường Việt Nam, mà còn vươn ra thị trường khu vực trong khuôn khổ AFTA”…

Vì thế, không chỉ chủ đầu tư Ô tô Trường Hải (THACO) mà cả tỉnh Quảng Nam, thậm chí cả ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sự thành công của dự án này. Với cam kết chuyển giao công nghệ của Hyundai (Hàn Quốc, dự án có vốn đầu tư 185,5 triệu USD, trong đó giai đoạn I là 126,5 triệu USD, Dự án dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2013. Sau đó vì chậm tiến độ nên định là sẽ khánh thành vào đầu năm 2015. Nhưng đến nay, thì đã chính thức “phá sản”.

Tan mộng sản xuất động cơ ô tô?

Trên thực tế, việc Dự án Nhà máy Sản xuất và Chế tạo động cơ Chu Lai - Trường Hải đi vào ngõ cụt đã được báo trước ngay sau khi Hyundai bất ngờ tuyên bố rút khỏi Dự án từ hồi tháng 1 năm ngoái.

Khi ấy, Hyundai đưa ra lý do việc chấm dứt hợp tác với Trường Hải là vì thời hạn ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa hai bên đã kết thúc (hai bên bắt đầu ký hợp đồng vào tháng 11/2011) và do Dự án kéo dài nên ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất - kinh doanh tại thị trường ASEAN của tập đoàn này. Phía Hyundai cũng cho biết, đã báo cáo lãnh đạo Tập đoàn xem xét điều chỉnh kế hoạch chuyển giao công nghệ và sản xuất sản phẩm vào năm 2016.

Việc này cũng đã được ông Nguyễn Một, Giám đốc Truyền thông của Trường Hải xác nhận. Theo ông Một, Trường Hải đã chủ động xin dừng đầu tư Dự án sau khi Hyundai chấm dứt hợp tác. “Năm 2016, chúng tôi sẽ làm phán lại với Hyundai”, ông Một cho biết, đồng thời nói thêm về việc Dự án có được triển khai trở lại hay không còn phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa hai bên.

Và rõ ràng là ở thời điểm hiện tại, không còn có Dự án Nhà máy Sản xuất và Chế tạo động cơ Chu Lai - Trường Hải nữa. Một cơ hội đã bị bỏ lỡ.

Được cấp chứng nhận đầu tư từ tháng 6/2012 dựa trên rất nhiều kỳ vọng, song để nhìn lại, thì hơn 2 năm rưỡi vừa qua, chưa có nhiều động thái tích cực liên quan đến dự án này, ngoại trừ lễ khởi công rất rầm rộ và việc tỉnh Quảng Nam liên tục có các đề xuất với Chính phủ Việt Nam về cơ chế ưu đãi đầu tư, cũng như có những chính sách hỗ trợ cần thiết cho Dự án.

Dự án này được hưởng các cơ chế hỗ trợ đối với dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm. Gặp vướng mắc trong việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải, thì cũng đã kêu khó và được Chính phủ cho phép Dự án được tiếp tục sản xuất và tiêu thụ 100.000 động cơ diesel đến hết năm 2018. Khó khăn về tài chính, Chính phủ cũng đã cho phép Trường Hải gia hạn nộp thuế tới 1.200 tỷ đồng để dành vốn đầu tư cho Dự án Động cơ ô tô.

Nhưng cuối cùng, kế hoạch đầy mục tiêu tham vọng của Trường Hải đã không thể trở thành hiện thực. Giấc mộng sản xuất động cơ ô tô đã tan.

Những cơ hội bị bỏ lỡ

Một cách thẳng thắn thì ở thời điểm hiện tại, đã có thể khẳng định sự thất bại trong việc thực hiện Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020.

Tháng 8 năm ngoái, Bộ Công thương đã một lần nữa công bố Chiến lược và Quy hoạch cho ngành công nghiệp ô tô giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2035.

Rất nhiều mục tiêu tham vọng lại được đặt ra, như công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ được tập trung phát triển để trở thành một ngành quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Cụ thể, đến năm 2020 sẽ đáp ứng được 60% tổng nhu cầu ôtô du lịch dưới 10 chỗ ngồi, 90% nhu cầu ôtô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, 78% nhu cầu xe tải và 15% nhu cầu xe chuyên dụng. Đến năm 2030, khả năng đáp ứng cho thị trường đối với từng loại xe sẽ lần lượt tăng lên 70%, 92%, 80% và 20%...

Thất bại của việc thực hiện Chiến lược giai đoạn trước, bao gồm cả các mục tiêu liên quan đến sản lượng xe, tỷ lệ nội địa hóa…, đã khiến dư luận băn khoăn về khả năng thực hiện Chiến lược giai đoạn mới. Thách thức càng lớn hơn nữa khi Việt Nam chỉ còn 1 khoảng thời gian rất ngắn, đến năm 2018, để đặt nền móng cho một ngành công nghiệp ô tô phát triển. Lúc ấy, khi thuế nhập khẩu ô tô chỉ bằng 0%, nếu chưa phát triển được, có nghĩa ngành công nghiệp ô tô được đặt một dấu chấm hết.

Mazda, Hyundai, Toyota… đều đã từng lên những kế hoạch đầu tư lớn ở Việt Nam song cuối cùng lại bỏ đi. Thiếu công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô Việt Nam mới chỉ dừng ở gia công, lắp ráp. Trong khi đó, quốc gia láng giềng Thái Lan lại đang trỗi dậy mạnh mẽ. Họ có một ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển mạnh, cộng thêm nhiều chính sách khuyến khích đầu tư đủ sức níu chân các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, Việt Nam có gì? Đó là câu hỏi cần có lời giải đáp thỏa đáng để không có thêm một giấc mộng nào nữa tan vỡ, không có thêm chuyện những cơ hội bị bỏ lỡ…