Những người ủng hộ Anh rời EU (Brexit) chưa chắc có kế hoạch B cho việc này, nhưng giới chức tài chính ở nhiều khu vực của Thủ đô nước Pháp đã chuẩn bị cho Brexit nhiều tháng. Vị trí trung tâm tài chính thế giới của London rất có thể sẽ chuyển ngôi cho một TP khác sau khi nước này rời EU. Và Paris được coi là “ứng cử viên” sáng giá hơn cả.
Tại sao lại là Paris? Thủ đô nước Pháp có lĩnh vực quản lý tài sản quy mô lớn phát triển, là nơi tọa lạc của nhiều ngân hàng lâu đời và nhiều chuyên gia tài chính lão luyện, cùng giá thuê văn phòng hấp dẫn. Chính quyền Paris cũng hướng tới mở rộng diện tích để thu hút các lãnh đạo ngân hàng và gia đình họ. Hiện, Paris đang có những bàn thảo nhằm xây dựng thêm các trường song ngữ quốc tế ở rìa phía Tây Paris đáp ứng nhu cầu của gia đình các giới chức ngân hàng quốc tế. Đại diện HSBC hồi đầu năm cho biết, sẽ chuyển khoảng 20% nhân lực tại London – tương đương 1.000 vị trí từ phòng giao dịch tới ngân hàng đầu tư sang Paris trong trường hợp Brexit. Tuy nhiên, Paris cũng có nhiều trở ngại trên con đường trở thành "trái tim tài chính" của thế giới. Mức thuế suất cao nổi tiếng Lục địa già ở mức 75% áp dụng đối với thu nhập từ 1 triệu Euro/năm trở lên đã minh chứng cho tư tưởng “không ưa” giới nhà giàu của Tổng thống Francois Hollande. Một vấn đề khác là phí thuê nhân công lành nghề ở Pháp cũng cao hơn bất kỳ đâu ở châu Âu. Không chỉ Paris, Frankfurt - nơi trụ sở Ngân hàng T.Ư châu ÂU (ECB) tọa lạc, Dublin và nơi có thuế suất hấp dẫn như Amsterdam và Luxembourg cũng là những ứng viên không hề kém cạnh cho ngôi vị này. Điều này đồng nghĩa, muốn chiến thắng trong cuộc đua giành vị trí “trái tim tài chính” sẽ buộc Paris phải thay đổi hơn nữa.
Ảnh minh họa |