Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Parkson đóng cửa Trung tâm thương mại thứ 4: Bài học về tiếp cận thị trường

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc hệ thống siêu thị Parkson vừa cho đóng cửa trung tâm thương mại (TTTM) thứ 4 trong hệ thống bán lẻ Parkson tại Việt Nam cho thấy, để có thể duy trì, phát triển hệ thống bán lẻ, đòi hỏi DN phải đưa ra cách thức tiếp cận người tiêu dùng phù hợp với thực tế.

Không phù hợp với nhu cầu mua sắm
Từ 29/1, Công ty TNHH MTV Thương mại và Bất động sản Thùy Dương chính thức ra thông báo ngừng hoạt động tại TTTM Parkson Flemington, TP Hồ Chí Minh. Đây không phải là lần đầu hệ thống siêu thị Parkson ngừng hoạt động. Trước đó, trong 2 năm 2015 - 2016, Parkson đã đóng cửa 3 TTTM gồm Parkson Keangnam, Parkson Viet Tower (Hà Nội), Parkson Paragon (TP Hồ Chí Minh). Đến nay, Parkson chỉ còn 6 TTTM hoạt động tại Việt Nam.

Nói về nguyên nhân khiến Parkson phải đóng cửa 4 TTTM, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Thị Hải Thanh cho rằng: Việc các TTTM mở hoặc đóng cửa là chuyện bình thường khi không thể đáp ứng được tiêu chí của thị trường. Tuy nhiên, để xảy ra việc liên tiếp phải đóng cửa các TTTM tại Việt Nam cho thấy, muốn tồn tại, phát triển thì DN phải thay đổi phương thức kinh doanh theo nhu cầu của thị trường, nếu không sẽ tự đào thải chính mình.
 Trung tâm thương mại Parkson Flemington, TP Hồ Chí Minh vừa chính thức ngừng hoạt động. Ảnh: Phương Linh
Thực tế cho thấy, mặc dù đã 13 năm đầu tư hệ thống bán lẻ hiện đại tại thị trường Việt Nam nhưng Parkson vẫn trung thành mô hình kinh doanh khá đơn điệu, không phục vụ người tiêu dùng bình dân vốn chiếm đa số, chỉ hướng tới khách hàng cao cấp. Theo Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan, thu nhập bình quân của người dân Việt Nam hiện mới ở mức 2.148 USD/người/năm, nhóm người có thu nhập từ 5.000 - 7.000 USD/năm chỉ chiếm 10 - 20% nên các loại hàng hiệu có giá trị từ vài triệu đồng trở lên không phù hợp với nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Việc Parkson chỉ hướng tới phục vụ nhóm khách hàng này thì việc đóng cửa TTTM là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, hiện thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ nhưng Parkson chưa chú trọng đến hình thức kinh doanh này nên khó có thể thu hút người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm.

Thương mại điện tử Việt Nam có thay đổi?

Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết, tập đoàn TMĐT lớn nhất ở Mỹ là Amazon đang có chiến lược đổ bộ vào Việt Nam với mục đích hỗ trợ khách hàng Việt mua bán hàng trên Amazon, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa xuất khẩu trên Amazon. Chiến lược cụ thể của Amazon tại Việt Nam sẽ được chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam (VOBF 2018) vào ngày 14/3 tại Hà Nội và 16/3 tại TP Hồ Chí Minh.

Đa phần người tiêu dùng có chung ý kiến, việc Amazon nhảy vào thị trường Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho DN và người dùng tiếp cận với hàng hóa dễ dàng hơn. Song nhiều ý kiến cũng lo ngại cho các “ông lớn” trong ngành TMĐT như Lazada, Tiki, Sendo... trong quá trình cạnh tranh với Amazon. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm người bán, Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ (Sendo.vn) cho biết, thị trường TMĐT Việt Nam còn rất rộng lớn.
Hiện tại, doanh số TMĐT bán lẻ giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) của Việt Nam năm 2016 mới chỉ đạt 5 tỷ USD, chiếm trên 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa. Ông Trần Ngọc Thái Sơn - CEO Tiki cũng không tỏ ra lo lắng về những đối thủ tầm cỡ thế giới trên thị trường TMĐT Việt Nam. Theo ông, chính sự xuất hiện của những đối thủ khổng lồ đã khiến các quỹ đầu tư lớn vào Việt Nam đầu tư và rót vốn cho DN TMĐT trong nước. Tiki cũng đang phát triển rất tốt trong thời điểm Alibaba mua lại Lazada.

Theo các DN, việc Amazon đầu tư vào thị trường TMĐT Việt Nam sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh lành mạnh, qua đó thúc đẩy TMĐT Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, song cũng đòi hỏi các DN phải quan tâm đến biến động thị trường và nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Qua đó thay đổi cách thức kinh doanh phù hợp, nếu không khả năng đi vào vết xe đổ của Parkson là khó tránh khỏi.
Ở thời điểm hiện tại, những TTTM kết hợp với vui chơi giải trí, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, giá cả bình dân sẽ được yêu thích. Trong khoảng 10 năm nữa, khi GDP trung bình của Việt Nam lên tới khoảng 5.000 USD/người/năm thì bán lẻ hàng hiệu, hàng đặc chủng mới có “đất sống”.

Ông Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội