- Ở Việt Nam , lương tối thiểu vẫn thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu. Mà theo các chuyên gia lao động quốc tế (ILO), khi tiền lương đang trả thấp hơn tiêu chuẩn sống thì không thể đòi hỏi năng suất lao động. Cách đây chừng một năm, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trên báo, tiền lương của NLĐ thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu thì không có biện pháp nào đòi hỏi họ nâng cao năng suất lao động. Các nhà khoa học Việt Nam cũng như thế giới cũng đồng tình về việc này. Cho nên, theo tôi, yêu cầu bức thiết hiện nay là phải giải quyết được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ bằng lương. Khi giải được bài toán ấy thì mới đặt ra yêu cầu tăng năng suất lao động.
Thực tế, nhiều DN đã trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu?
- Nếu những DN đã trả được mức lương bằng hoặc cao hơn nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ thì mới đặt ra yêu cầu tăng năng suất lao động, cũng như đòi hỏi NLĐ trung thành và gắn bó với DN. Lúc đó NLĐ phải trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm để có thể đạt năng suất lao động bằng hoặc cao hơn mong muốn của DN. Còn khi tiền lương chưa đủ giải quyết yêu cầu cuộc sống thì đừng nên đặt ra vấn đề này.
Hiện nay, còn bao nhiêu DN trả lương cho NLĐ thấp hơn “sàn” quy định của Chính phủ?
- Về cơ bản các DN đã trả lương ngang bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu, nhưng vẫn còn số ít DN trả thấp hơn lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ. Đó là các DN nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, DN của các tỉnh, làm những công việc không ổn định.
Thưa ông, còn có ý kiến đề xuất trả lương theo ngày, theo giờ?
- Tại nhiều nước có điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển đã áp dụng trả lương theo giờ, ngày, tuần. Công nhân của họ có thể thi thố ngay trên dây chuyền sản xuất, tranh đua bằng hiệu quả làm việc tính theo ngày, giờ. Cách trả lương theo ngày, giờ và theo sản phẩm sẽ làm tăng cường độ lao động. Nhưng ở Việt Nam chưa nên đặt ra vấn đề trả lương theo ngày, theo tuần vì hợp đồng công việc không ổn định. Trong khi đó, mục tiêu của Đảng và Chính phủ là ổn định việc làm và những công việc đang làm. Thứ hai, chúng ta chưa thể chủ động khoán và ổn định các công việc trong một tháng, một quý, một năm. Ví dụ, anh nuôi cá nhưng đối tác không nhập nữa thì sao? Hay sản xuất quần áo, nhưng bạn hàng không ký hợp đồng thì làm thế nào? Tôi cho rằng, khối lượng công việc của DN không thể đảm bảo để áp dụng trả lương cho NLĐ theo giờ, tuần, tháng. Vì thế về phía Công đoàn Việt Nam chưa áp dụng cách trả lương kiểu này.
Bộ LĐTB&XH đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động, trong đó có vấn đề tiền lương, ông có góp ý gì?
- Tôi đề nghị Nhà nước nhanh chóng lấp khoảng trống giữa tiền lương tối thiểu với nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, cố gắng đạt 100% nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2018 như mục tiêu đặt ra. Nhưng tôi nghĩ khó thực hiện được vì 2 lý do: Thứ nhất, nếu Chính phủ thông qua tăng lương tối thiểu năm 2017 lên 7,3% thì còn thiếu 14% mới đảm bảo mức sống tối thiểu. Mà từ nay đến năm 2018 chỉ còn một năm, rất khó thực hiện được; Thứ hai, nhiều đại diện ngành dệt may và da giày đề nghị 2 năm tăng lương tối thiểu một lần. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng nếu làm tốt, thì năm 2019 cuộc rượt đuổi tiền lương tối thiểu với nhu cầu sống tối thiểu mới chấm dứt. Nếu không thì phải năm 2020, có nghĩa là NLĐ vẫn phải sống vất vả.
Xin cảm ơn ông!