KTĐT - Trường bị xóa, không những học sinh trường mầm non Thịnh Yên chưa biết sẽ đi về đâu mà ngay cả những giáo viên và người phục vụ cho nhà trường tại đây trong nhiều năm qua đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp, trong đó có những người sẽ bị cắt hợp đồng nếu không tự tìm được việc mới.
Bỗng dưng thất nghiệp
Sự việc Trường mầm non Thịnh Yên (Láng Thương, Đống Đa, Hà Nội) sắp bị phá để nhường đất cho dự án xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia không chỉ gây ra phản ứng gay gắt đối với phụ huynh học sinh mà ngay cả bản thân những giáo viên trong trường cũng rất bức xúc.
Họ được thông báo, khi trường bị xóa thì sẽ phải tự đi tìm việc mới, có những người nếu không tìm được thì sẽ bị cắt hợp đồng.
Trường mầm non Thịnh Yên cơ sở Láng Thượng có tất cả 4 giáo viên và 2 người phục vụ. Việc ngôi trường này không còn nữa cũng đồng nghĩa với nhiều người trong số này sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp.
Cô giáo Lê Thị Kim Oanh là người có thâm niên nhất ở ngôi trường này. Cô đã có gần 30 năm chăm sóc thế hệ mầm non ở phường. Thế nhưng khi nhận được thông báo là mình sẽ phải tự đi tìm việc, nếu không “ưng ý” thì phòng giáo dục quận sẽ giúp đỡ thì giáo viên này đã rất sửng sốt.
“Tôi già thế này rồi, đi xin việc trường nào dám nhận. Tôi không đồng tình với chủ trương phá bỏ ngôi trường này, nó ảnh hưởng đến học sinh, những phụ huynh là lao động và ngay cả những giáo viên chúng tôi nữa. Đề nghị xây trường cho các cháu xong thì muốn làm gì thì làm”, cô Oanh nói.
Cám cảnh hơn là trường hợp của hai cô giáo trẻ tên Nhung. Một người đã dạy được 2 năm, một người thì mới được 6 tháng. Tuy tiền lương mỗi tháng các cô chỉ nhận được 1 triệu 30 nghìn, nhưng lòng yêu nghề, yêu trẻ lại rất mãnh liệt.
Trong cuộc họp với lãnh đạo nhà trường, các cô nhận được thông tin, sẽ phải tự đi tìm việc làm khi trường không còn nữa, nếu không quận Đống Đa sẽ cắt hợp đồng.
“Công việc đang bình thường, dù lương thấp nhưng tôi rất thích. Thế mà nay chúng tôi bị đẩy ra đường tự tìm việc lấy. Nếu không tìm được thì sẽ bị cắt hợp đồng. Với khả năng của chúng tôi thì làm sao mà xin được việc. Còn cuộc sống gia đình nữa chứ? Sao lại đẩy chúng tôi đi một cách nhẫn tâm như thế?”, cô giáo Tuyết Nhung bày tỏ.
“Đạt chuẩn làm gì, khi...”
Thật lạ, khi phóng viên đã liên lạc với bà Vương Thị Thu Thủy, Hiệu phó trường mầm non Thịnh Yên để hiểu hơn vấn đề nhưng không nhận được sự hợp tác.
“Cấp trên chỉ đạo sao thì chúng tôi làm vậy, các anh lên phòng giáo dục mà hỏi”, bà Thủy nói.
Trong cuộc họp với phụ huynh trường Thịnh Yên vào ngày 29/4, bà Thủy có nói: Từ ngày 25/5 nhà trường sẽ đóng cửa không đón trẻ, đến hết tháng 5 thì phải bàn giao mặt bằng cho dự án. Đầu năm học mới phụ huynh nào không thể xin học cho con thì đăng ký (với nhà trường) nhưng với điều kiện phải có hộ khẩu tại phường Láng Thượng.
Giáo viên Lê Thị Kim Oanh đã có gần 30 năm đi dạy nhưng nay cũng nhận được thông tin là sẽ tự đi liên hệ khi trường mất, nếu không tìm được “việc ưng ý” thì Phòng GD mới trợ giúp. Còn hai cô giáo đang dạy hợp đồng thì trường mất cũng đồng nghĩa với thất nghiệp.
Được biết, có hơn 10 cháu đang theo học tại trường này không có hộ khẩu thường trú tại đây.
Về vấn đề này, một lãnh đạo phường Láng Thượng cho biết: Nếu dự án tiến hành thì phải bảo đảm việc học cho các cháu chứ không thể nói là không có hộ khẩu thì tự xin cho con học. Ông chủ tịch quận đã nói là sẽ chuyển tất cả các cháu vào trường mới, sẽ không phải đóng tiền trái tuyến.
Còn bà Phạm Thị Dung, Phó phòng GD&ĐT Đống Đa thì hứa là sẽ tiếp thu ý kiến của các vị phụ huynh. Tuy nhiên, liên quan đến công việc của giáo viên thì bà Dung không nói thêm điều gì.
Ông Lê Ngọc Trọng, Giám đốc BQL dự án quận Đống Đa, người ký công văn giới hạn trong tháng 5/2011 phải bàn giao mặt bằng khu vực nhà trường Thịnh Yên cho dự án thì cho biết: Chúng tôi chỉ thực hiện theo chủ trương của quận. Còn việc sắp xếp học sinh, giáo viên ra sao thì là việc của ngành giáo dục.
Còn về phía UBND phường Láng Thượng thì cũng chưa biết rõ về dự án này. “Cái này phường không phải là chủ đầu tư, mà là quận. Hiện nay TP. Hà Nội yêu cầu các trạm y tế trên địa bàn phải đạt chuẩn quốc gia, nếu là nhà lụp xụp phải xây mới theo chuẩn của Bộ Y tế quy định. Do trạm chưa đạt chuẩn quốc gia thì phải xây, còn trường thì quận vẫn đang đầu tư để xây dựng”, một lãnh đạo phường Láng Thượng nói.
Theo thông tin từ phía UBND phường Láng Thượng thì lâu nay phường này không có trạm y tế cũng như trường mẫu giáo. Trạm y tế hiện tại đang mượn của HTX còn trường mầm non thì vẫn chưa thể triển khai.
“Nếu quận giao cho phường là chủ đầu tư thì phường sẽ làm khác, ít ra chúng tôi sẽ họp với dân, phụ huynh để nghe ý kiến đóng góp đã”, lãnh đạo phường cho biết.
“Quận ưu tiên xây trạm đạt chuẩn QG, thế còn các cháu mầm non thì thế nào? Trong chính sách của nhà nước thì trường học phải được ưu tiên hơn? Trạm y tế vẫn đang hoạt động bình thường, mà có mấy ai đến thăm khám đâu trong khi việc học hành là việc hàng ngày của các cháu. Trạm y tế chuẩn QG để làm gì khi các cháu không có chỗ học”, ông Thung, một cán bộ hưu trí bức xúc.
Chủ trương phá trường mầm non xây trạm y tế đạt chuẩn, đẩy học sinh và giáo viên rơi vào hoàn cảnh bị bỏ rơi đang khiến dư luận không khỏi bức xúc. Bởi ngay giữa trung tâm Hà Nội lại xảy ra những chuyện tưởng chừng như ở vùng sâu vùng xa, khi mà điều kiện tối thiểu cho sự học hành của trẻ em lại khó khăn đến vậy.