Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải biết sốt ruột nếu môi trường kinh doanh chậm cải thiện

Minh Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau Hội nghị “Diên Hồng” 2016, Chính phủ đã ra Nghị quyết 35/NQ - CP, nghị quyết đầu tiên của Chính phủ về phát triển DN. Nghị quyết đưa ra 3 thông điệp căn bản: DN là động lực phát triển đất nước; Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, phục vụ và Nhân dân Khởi nghiệp (theo nghĩa rộng nhất của từ này) là sự nghiệp của toàn dân. Cuộc gặp lần này với chủ đề “Đồng hành cùng DN” là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại những gì đã làm được trên cơ sở đó đề ra những giải pháp hỗ trợ tốt hơn cho DN, người dân trong tự do sản xuất, kinh doanh.

Không lòng vòng giải thích mà đặt trọng tâm giải quyết

Cuộc gặp lần này diễn ra ngay sau khi kết thúc Hội nghị T.Ư 5 trong đó đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng trong phát triển kinh tế đặc biệt là nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. T.Ư và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải xóa bỏ mọi rào cản, định kiến… phải chăm lo phát triển kinh tế tư nhân. Nhưng thể chế nào, doanh nhân đó. Thể chế minh bạch, chính quyền tận tâm thì DN sẽ phát triển lành mạnh, người dân sẽ đem vốn vào làm những việc ích quốc, lợi dân như Bác Hồ đã dạy!

Cộng đồng DN đánh giá cao việc ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016. Việc ban hành một Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 trong thời gian ngắn “kỷ lục”, với các mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả, khả thi và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng DN Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Đánh giá sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, ghi nhận trong phần tổng hợp và ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp từ cộng đồng DN Việt Nam nêu rõ, Nghị quyết có tính toàn diện, có tầm nhìn dài hạn, mang tính chất đột phá và do đó nhận được sự quan tâm hưởng ứng tích cực của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng DN và toàn xã hội. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã rất sát sao, đôn đốc và giữ vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy thực hiện Nghị quyết với tinh thần trong Chính phủ mới không có chỗ để bàn lùi. Các chuyến đi thị sát tại các địa phương, lắng nghe ý kiến của các địa phương và DN, chỉ đạo trực tiếp cải cách ở cấp cơ sở, xúc tiến thương mại, đầu tư, mở cửa thị trường ở nước ngoài của Thủ tướng đã làm ấm lòng và thực sự tiếp sức cho DN.

Một số bộ ngành đã khởi động nhiều chương trình lớn, quan trọng với DN: Bộ Tài chính đã triển khai rất sớm Nghị quyết, thực hiện cải cách quyết liệt trong lĩnh vực thuế, hải quan. Bộ Công an đã tích cực triển khai áp dụng visa điện tử. Bộ Công Thương bãi bỏ thông tư 37 về formaldehyde với dệt máy, bỏ thủ tục dán nhãn năng lượng, bỏ quy hoạch xuất khẩu gạo... Bộ NN&PTNT đề xuất nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong nông nghiệp, nông thôn… Bộ Xây dựng bỏ yêu cầu xây dựng quy hoạch 1:500 đối với dự án phát triển nông nghiệp… là những ví dụ điển hình.
Một số địa phương đi đầu trong việc triển khai Nghị quyết như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp… Hà Nội đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến, đưa công cụ hỗ trợ đến tận xã, phường, khu dân cư tập trung; Quảng Ninh đi đầu trong việc tổ chức lại công tác xúc tiến đầu tư và triển khai thực hiện Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện, sở, ban, ngành. Đà Nẵng đi đầu trong việc xây dựng mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, xử lý thủ tục hành chính theo phương châm hết việc chứ không phải hết giờ. Đồng Tháp đi tiên phong trong cơ chế đối thoại, giải quyết khó khăn vướng mắc, hỗ trợ cho DN và nhà đầu tư, duy trì “cà phê doanh nhân” hàng tuần thân thiện. Hay Cần Thơ, các cấp chính quyền không họp mà dành trọn ngày thứ Hai hàng tuần để gặp gỡ, đối thoại, giải quyết khó khăn cho DN … Những thực tiễn tốt này đang được lan tỏa.

Tại hầu hết các địa phương thời gian thành lập DN hiện nay là 2 ngày, giảm 1 ngày so với cam kết. Thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu; dưới 12 ngày đối với hàng nhập khẩu, đạt chỉ tiêu đặt ra. Các tỉnh/thành phố đều tích cực triển khai thực hiện kê khai nộp thuế điện tử (đa số đạt từ 96-100%).

Kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy có 75% DN đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong nghị quyết 35/ NQ-CP là “tích cực”, chỉ có 25% DN cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này. Các đánh giá này không phải là cảm tính, mà dựa trên những con số về các kết quả đạt được trên thực tế, thể hiện những bước tiến rõ rệt trong công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.

Đừng để chạy sau các nước trong khu vực

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan song ông Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn nhìn nhận, các DN vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. Hiệu suất sinh lợi trên tài sản của các DN trong nền kinh tế đã giảm từ 6,6% năm 2012 xuống còn 3,2% năm 2015. Trong các tháng đầu năm 2017, số lượng DN thành lập mới tuy có tăng nhưng số lượng DN ngừng hoạt động và giải thể cũng bằng một nửa số lượng DN thành lập mới. Nguyên nhân chính vẫn là do môi trường kinh doanh vẫn còn vô vàn khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết, tháo gỡ. Những kết quả đã đạt được mới chỉ là bước đầu và còn quá nhỏ so với những bất cập đang còn tồn tại, đã tích tụ từ nhiều năm.
Theo Báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia. Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippin. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, cao hơn 2 lần so với Singapore. Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippin.

Chi phí về vận tải và logistics hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các DN ở Việt Nam. Chẳng hạn: chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Ngoài ra còn có những chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển… càng làm tăng gánh nặng cho DN.

Về chi phí không chính thức, theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2016 của VCCI, 66% trong số 11.000 DN được hỏi xác nhận họ phải trả loại phí này. Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN vẫn phổ biến ở nhiều nơi.

Giảm chi phí cho DN đang là yêu cầu cấp thiết. Nhưng giảm chi phí không phải là tất cả. Gần đây, khi nói đến Chính phủ kiến tạo, chúng ta hay nói nhiều đến hỗ trợ, đến ưu đãi… nhưng cái cần nhất với DN không phải là hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về tài chính, nếu có thì hỗ trợ nên theo hướng giúp DN nâng cao năng lực về quản trị chứ không hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh. Hỗ trợ không nên bằng cách can thiệp hành chính vào thị trường và DN. Các DN cần nhất là một hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch và công bằng, cần một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản và thuận tiện, cần một nền tư pháp bảo vệ cho họ được an toàn. Nhưng hệ thống pháp luật về kinh doanh còn khá nhiều bất cập, thủ tục hành chính vẫn còn nhiêu khê trong tương quan so sánh với các chuẩn mực tiên tiến của thế giới. Trong thời gian qua, việc thực hiện chủ trương không hình sự hóa đã có nhiều tiến bộ, nhưng DN vẫn nơm nớp nỗi lo việc thực hiện chính sách thiếu nhất quán “sớm nắng chiều mưa”, “ông nói gà, bà nói vịt” hay sự thay đổi chính sách đột ngột, thiếu lộ trình chuyển đổi và hiện tượng hồi tố đối với các hoạt động kinh doanh, việc chậm trễ và thiếu công bằng trong việc giải quyết các tranh chấp của DN lại đang là điểm quan ngại hàng đầu.

Các cuộc khảo sát của VCCI cho thấy, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Việc DN một năm phải tiếp 6-7 đoàn từ thanh tra, rồi tới kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức, trong đó có rất nhiều đoàn thanh tra liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm: thanh tra quản lý thị trường, y tế, đo lường là một thực tế phổ biến. Cụ thể, có khoảng 14% DN bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Trong những DN có từ 2 cuộc kiểm tra trở lên, trên 50% cho rằng các cuộc kiểm tra có những nội dung trùng lặp.

Đến Boing cũng khó kinh doanh nếu còn nhiều rào cản

Việc môi trường kinh doanh chậm cải thiện nói trên một mặt là do sự chậm trễ trong cải cách thể chế, một số quy định bất hợp lý trong các văn bản pháp luật đã không được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Trên quan điểm của cộng đồng DN, theo rà xét bước đầu của VCCI, có tới ít nhất trên 20 quy định như vậy.

Không khó có thể viện dẫn ra đây những ví dụ như: Điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm trong Nghị định 87/2016 yêu cầu cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm phải có đầy đủ Thiết bị ép (đúc/đùn) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất vỏ mũ; thiết bị ép (đúc) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất lớp mút xốp; thiết bị dập (tán) đinh tán (dùng để ghép các cụm chi tiết)… Điều kiện cơ sở đóng tàu cá tại Thông tư 26/2014/TT-BNNPTNT lại yêu cầu phải có đầy đủ máy cưa xọc, máy cưa vòng, máy cưa đĩa, máy cưa cầm tay, máy bào, máy đục, máy khoan, máy mài, máy hàn, máy nén khí, kích,… Nghị định 60/2014 về điều kiện kinh doanh ngành in cấm các cơ sở in không được hợp tác với cơ sở in khác để thực hiện chế bản, in, gia công sau in đối với sản phẩm và hợp đồng mà mình nhận… Nghĩa là các DN phải tự làm tất cả từ A tới Z trong khi thế giới hiện nay đang kiến thiết theo chuỗi, mạng, để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Chúng ta biết rằng, để sản xuất ra một chiếc máy bay, người ta phải có hàng trăm cơ sở sản xuất tại vài chục quốc gia. Tôi cũng biết một số ốc vít của Boing đã được sản xuất tại một hộ gia đình tại Thụy Sỹ. Nếu yêu cầu Boing cũng phải có cái máy thủ công sản xuất ra ốc vít như các quy định ở trên thì Boing cũng bó tay không đáp ứng được điều kiện kinh doạnh của Việt Nam.

Một nguyên nhân quan trọng khác mà môi trường kinh doanh chưa được cải thiện như kỳ vọng, là do các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng chính phủ chưa được thực hiện nghiêm túc. Với cơ chế phân định quyền hạn và trách nhiệm thiếu rõ ràng hiện nay, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo, dưới không nghe” vẫn còn phổ biến ở nhiều lúc, nhiều nơi. Bài học thực tế thời gian qua cho thấy, cải cách hành chính, cải cách thể chế sẽ không thể đạt được tiến bộ, nếu không cân đông đo đếm được và lượng hóa, có cơ chế quy trách nhiệm trong việc thực hiện tới từng cơ quan, tổ chức và cá nhân.