Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải có cơ quan độc lập quản lý vốn Nhà nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 5/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản...

Kinhtedothi - Chiều 5/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh, các đại biểu (ĐB) đều đồng tình cần thiết ban hành Luật nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại phát sinh trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN). Đồng thời đề nghị, cùng với ban hành Luật cần xây dựng trong mối quan hệ tổng thể với các văn bản luật khác, để tạo nên cơ chế pháp lý đồng bộ, điều tiết hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Thảo luận tại phiên họp, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị Cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm "vốn Nhà nước đầu tư vào DN" và "vốn Nhà nước đầu tư tại DN khác". Nghiên cứu, làm rõ hơn các quy định về báo cáo và công khai hoạt động đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào DN, làm rõ mối quan hệ của luật này với các luật khác trong hệ thống pháp luật, cũng như tác động tới vấn đề tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước.

 
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, hiện nay, quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN chưa được tách bạch rõ ràng. "Ở đây, cần làm rõ khái niệm đại diện chủ sở hữu là người làm thuê hay ông chủ?"- ĐB băn khoăn ai sẽ là đối tượng chịu sự giám sát về việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước? "Chúng ta giám sát DN có vốn đầu tư của Nhà nước hay giám sát người đại diện chủ sở hữu Nhà nước ở DN. Bởi về nguyên tắc, DNNN phải hoạt động theo các luật về DN, về thuế... Do đó, không thể giám sát DN này làm những việc gì, mà phải giám sát người được chúng ta phân công nắm giữ vốn của Nhà nước ở DN thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của mình như thế nào" - ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Ủng hộ quan điểm phải tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước ở DN, các ĐB Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng), Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam), Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận) cho rằng, thực tế, vừa qua, một số cơ quan giúp Chính phủ quản lý DNNN chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, không thể vì một số cơ quan chức năng chưa làm tốt nhiệm vụ mà lại đưa DN trở về cho các bộ, ngành quản lý. Các bộ, ngành chỉ nên làm chức năng quản lý Nhà nước. Luật này cũng cần xác định cụ thể những ngành, lĩnh vực Nhà nước không nên tham gia hoặc có tham gia nhưng chỉ ở mức độ nhất định.

Liên quan đến phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào DN (Điều 8), nhiều ý kiến cho rằng việc phân định các chức năng sản xuất, kinh doanh và hoạt động công ích của DN là cần thiết, nhằm đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của DNNN, đặc biệt là không thể viện dẫn các trách nhiệm chính trị - xã hội mà DN phải gánh vác làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Tuy nhiên, dự thảo Luật chủ yếu đề cập đến loại hình DN hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chưa đề cập đến các DN hoạt động công ích.

Các ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định đối với DN hoạt động công ích theo hướng "Chức năng hỗ trợ điều tiết vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội của DN phải được đổi mới và thay thế bằng cơ chế đặt hàng của Nhà nước, được hạch toán theo cơ chế thị trường".

Cũng trong chiều hôm qua, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town) và báo cáo của Chính phủ về vấn đề này.

Trước đó, sáng 5/6, các ĐB Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân (sửa đổi). Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân.
Dự kiến, 4 Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn

Đoàn thư ký Kỳ họp Quốc hội vừa gửi xin ý kiến các ĐB Quốc hội danh sách các bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII. Theo đó, ngoài việc xin ý kiến về việc để Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng ủy quyền) trả lời chất vấn tại Kỳ họp này, UBTV Quốc hội cũng gợi ý 5 Bộ trưởng, trưởng ngành để trình Quốc hội xem xét là Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Quốc hội sẽ xem xét chọn ra 4 Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời chất vấn dự kiến diễn ra từ chiều ngày 10/6, kéo dài đến hết ngày 12/6.

(Nguyễn Vũ)