Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải đảm bảo đúng tính chất của giám hộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám hộ là một trong những chế định được ra đời với mục đích "trợ giúp" cho ...

Kinhtedothi - Giám hộ là một trong những chế định được ra đời với mục đích "trợ giúp" cho những cá nhân không đầy đủ về năng lực chủ thể. Sự trợ giúp của giám hộ thể hiện cả yếu tố hỗ trợ về năng lực chủ thể và cả yếu tố chăm sóc, nuôi dưỡng người được giám hộ. Vì vậy, chế định này được áp dụng đối với những trường hợp cá nhân khuyết thiếu về năng lực chủ thể và cần sự chăm sóc từ chủ thể khác. Tuy nhiên, cá nhân được giám hộ được quy định không đồng nhất từ Bộ Luật dân sự (BLDS) năm 1995, BLDS năm 2005 và Dự thảo BLDS sửa đổi (Dự thảo).

Cụ thể, cả BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 và Dự thảo đều xác định người được giám hộ bao gồm có hai loại. Tuy nhiên, ngoài cá nhân chưa thành niên thuộc một số trường hợp có vấn đề liên quan đến cha mẹ được cả 3 văn bản ghi nhận thì người được giám hộ thứ hai, theo BLDS năm 1995 là người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, trong khi BLDS năm 2005 và Dự thảo lại giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự.

 
Các trợ giúp viên pháp lý tư vấn pháp luật miễn phí cho hội viên Hội Người khuyết tật huyện Ba Vì.
Các trợ giúp viên pháp lý tư vấn pháp luật miễn phí cho hội viên Hội Người khuyết tật huyện Ba Vì.
Hai loại chủ thể này, theo quy định của pháp luật, chỉ có tình trạng bệnh tật giống nhau nhưng không trùng nhau về mức độ năng lực hành vi dân sự. Bởi vì cá nhân được xác định là mất năng lực hành vi dân sự cần phải đảm bảo hai điều kiện: Thứ nhất, điều kiện cần chính là tình trạng mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác dẫn tới tình trạng không nhận thức và làm chủ hành vi. Thứ hai, điều kiện đủ là có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên cá nhân là mất năng lực hành vi dân sự, dựa trên hai cơ sở là có yêu cầu của những người có quyền lợi ích liên quan và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về tình trạng bệnh tật của cá nhân này.

Như vậy, nếu cá nhân chỉ mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình và không có quyết định của Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì cá nhân này không được xác định là mất năng lực hành vi dân sự. Theo quy định của BLDS năm 2005, và Dự thảo hiện nay thì cá nhân này không thuộc trường hợp được giám hộ.

Tuy nhiên, cần phải thấy hai điều bất hợp lý từ quy định của BLDS năm 2005 và Dự thảo về vấn đề này. Thứ nhất, mục đích của giám hộ, như đã nói ở trên, là tạo sự trợ giúp về mặt pháp lý cho cá nhân không đầy đủ về năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, giám hộ, còn mang tính chất đặc trưng là các chủ thể cần giám hộ không chỉ cần được trợ giúp về mặt pháp lý vì khuyết thiếu năng lực pháp lý mà còn là những chủ thể cần được chăm sóc, bảo vệ. Ví dụ, nếu người chưa thành niên vẫn còn cha mẹ bình thường thì không đặt ra chế định giám hộ đối với người này, vì họ đã có sự chăm sóc và đại diện từ phía cha mẹ, nhưng nếu đứa trẻ này không còn cha mẹ, rõ ràng cần phải có người giám hộ để đảm bảo quyền lợi cho đứa trẻ đó. Do đó, khi xác định chủ thể được giám hộ, cần luôn phải xác định rõ tính chất của giám hộ. Thứ hai, theo quan điểm truyền thống trong xã hội, việc một gia đình có người bị bệnh tâm thần được coi là điều cần giấu kín. Việc công khai điều này thậm chí đưa họ đến Tòa án để yêu cầu tuyên bố họ là người mất năng lực hành vi dân sự dường như không phù hợp với xã hội Việt Nam. Thực tế, trong xã hội có không ít người bệnh tâm thần vẫn đang sống, thậm chí là còn tham gia các quan hệ dân sự, nhưng không hề được đặt ra chế định giám hộ bởi vì họ không phải là người mất năng lực hành vi dân sự.

Theo quan điểm của chúng tôi, rõ ràng, quy định của BLDS năm 2005 và Dự thảo là không đảm bảo được đúng tính chất, yêu cầu của giám hộ, đồng thời đã để quyền lợi ích hợp pháp của không ít các chủ thể trong xã hội không được quan tâm thỏa đáng. Do đó, chúng tôi cho rằng, cần sửa đổi quy định của Dự thảo theo quy định trước đây đã từng được ghi nhận tại BLDS năm 1995, đó là người được xác định là mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác dẫn tới tình trạng không nhận thức và làm chủ hành vi của mình là người cần có người giám hộ, để đảm bảo việc chăm sóc và bảo vệ hợp lý quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể này, đồng thời đảm bảo được tinh thần nhân đạo luôn xuyên suốt định hướng trong các văn bản pháp luật của hệ thống pháp luật Việt Nam.