Nhưng để làm nên kỳ tích ấy, dân tộc này đã phải chấp nhận bao thương đau, mất mát của không chỉ hàng trăm, hàng ngàn, mà là hàng triệu con người, hàng triệu gia đình. Dẫu biết rằng khó có thể bù đắp cho những mất mát lớn lao ấy, nhưng những việc làm thấm đượm nghĩa tình, sáng trong đạo lý hôm nay hy vọng sẽ góp phần xoa dịu niềm đau, khơi dậy lòng tự hào, động viên các gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống.
Đoàn Báo Kinh tế & Đô thị, Báo Quảng Trị tặng quà cho các gia đình chính sách tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. |
Cả nước hiện có hơn 8,8 triệu người có công, chiếm gần 10% dân số, trong đó có hơn 1,4 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 117.300 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 800.000 thương bệnh binh, 312.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng và hơn 4 triệu người hoạt động kháng chiến được tặng Huân, Huy chương các loại… Con số ấy cho thấy sự đóng góp vô cùng to lớn của đồng bào, chiến sĩ cả nước vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà. Đất nước còn khó khăn, phải chắt chiu từng đồng vốn để đầu tư xây dựng, nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên công lao to lớn của những người con đã xả thân vì nước. Gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng, cựu thanh niên xung phong... được Đảng, Nhà nước, nhân dân tri ân, giúp đỡ trong cuộc sống; Chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công tiếp tục được hoàn thiện và thực hiện có kết quả; Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được quan tâm triển khai liên tục, rộng khắp. Phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của người Việt Nam. Chỉ tính riêng 3 năm trở lại đây, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” gần 1.220 tỷ đồng để xây dựng mới và sửa chữa gần 59. 300 căn nhà và tặng hơn 33.000 số tiết kiệm. Chính phủ đã cấp trên 2.450 tỷ đồng để hỗ trợ cho 80.000 gia đình có công với cách mạng xây dựng, sửa chữa nhà ở. Những ngày này, trên khắp mọi miền đất nước, lãnh đạo Đảng- Nhà nước tổ chức nhiều đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh... Các địa phương cùng các bộ, ngành, đoàn thể đã dành kinh phí và vận động nguồn lực xã hội triển khai kịp thời các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, tạo niềm tin đối với người có công về sự chăm lo, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân về những cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Đêm Tháng 7, hàng vạn Nghĩa trang liệt sĩ trên khắp mọi miền đất nước được thắp sáng lên bởi những ngọn nến tri ân của thanh niên. Thắp nến tri ân không còn là việc làm mang tính phong trào mà đã thực sự là hành động tri ân của thế hệ trẻ hôm nay với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước. Mỗi ngọn nến được thắp lên trong không khí linh thiêng cuả ngày này là một ngọn lửa làm bừng sáng thêm truyền thống yêu nước của dân tộc, soi sáng con đường đi tới của thanh niên Việt Nam trên hành trình học tập và cống hiến của mình, để không phải hổ thẹn với những hy to lớn của cha ông. Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, vẫn còn đó những hạn chế, bất cập của công tác này, mà lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ mới đây đã nói thay tất cả: “Chúng ta chưa yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công với nước còn khó khăn; vẫn còn những người và gia đình chưa được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Chúng ta thật sự đau lòng khi vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, nhiều liệt sĩ còn thiếu thông tin, chưa xác định được danh tính… Đây là nỗi trăn trở, day dứt trong lòng những người thân và trong tất cả chúng ta”. Nỗi trăn trở của người đứng đầu Chính phủ cũng chính là lời nhắc nhở cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong thơi gian tới phải làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa. Không chỉ chăm sóc, hỗ trợ để người có công với Cách mạng có cuộc sống tốt hơn, mà mỗi người Việt Nam phải chung tay góp sức, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn. Đó là tình cảm, là trách nhiệm, là đạo lý và nghĩa tình của cộng đồng và toàn xã hội đối với sự hy sinh to lớn của các bậc cha anh!