Chiều 13/12, thông tin với báo chí liên quan đến việc thực hiện Nghị định 71/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an cho biết sau hơn 1 tháng triển khai, Nghị định 71/CP đã đem lại những hiệu quả ban đầu rất đáng ghi nhận mà nổi bật là làm giảm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông thường xảy ra trong thời điểm trước đó.
Đối với một số vấn đề vướng mắc trong triển khai Nghị định 71/CP, cụ thể là việc xử lý vi phạm không sang tên, đổi chủ khi chuyển nhượng phương tiện, Thiếu tướng Nghị cũng cho biết Bộ Công an đã căn bản hoàn tất Thông tư hướng dẫn đăng ký lại sở hữu phương tiện và đang tiến hành xin ý kiến các cơ quan hữu quan trước khi ban hành.
Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra xử phạt vi phạm giao thông.
Đáng chú ý, theo nội dung Thông tư hướng dẫn, trong trường hợp người sử dụng phương tiện giao thông đã mua bán qua nhiều chủ thì người sử dụng chỉ cần làm đơn, cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về sở hữu đối với phương tiện và được cơ quan công an xã, phường xác nhận trong thời hạn 3 ngày sau đó, tiến hành niêm yết trong thời hạn 30 ngày tại cơ quan đăng ký phương tiện để tra soát, đối chiếu và cấp Giấy chứng nhận.
Việc ban hành Thông tư hướng dẫn về nội dung này của Bộ Công an sẽ được tiến hành đồng thời với Thông tư của Bộ Tài chính quy định giảm mức lệ phí đăng ký phương tiện, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị nhấn mạnh.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an khẳng định nội dung, tinh thần của Nghị định 71/CP là hoàn toàn đúng, do chưa làm tốt công tác tuyên truyền nên quá trình triển khai có một số vấn đề chưa khả thi.
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu khẳng định các cơ quan báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng, đồng hành cùng lực lượng công an toàn quốc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2012.
Đánh giá tình hình công tác năm 2012 của toàn ngành công an, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu nhấn mạnh bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội của đất nước hết sức khó khăn đã tác động mạnh mẽ đến nhiệm vụ đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Công an đã hoàn thành được các yêu cầu đặt ra của nhiệm vụ 2012. Bộ Công an đã chủ động hơn trong công tác nắm tình hình, tham mưu cho Đảng, Nhà nước giải quyết các vấn đề chiến lược và giải quyết tốt vấn đề an ninh trật tự; liên tục tổ chức các đợt tấn công trấn áp tội phạm, kết hợp với phòng ngừa, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cơ quan công an đã tập trung điều tra các vụ án lớn trên các lĩnh vực kinh tế, ma túy, hình sự... Các biện pháp quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong thu hồi vũ khí, vật liệu nổ có kết quả tốt.
Theo Báo cáo của Bộ Công an, năm 2012, tội phạm về trật tự xã hội tăng gần 2,7% so với năm trước với tính chất bạo lực, hung hãn, manh động, đối tượng phạm tội xu hướng ngày càng trẻ hóa. Tội phạm giết người do suy thoái về đạo đức xã hội chiếm 82,7% trong số các vụ giết người. Tội phạm dùng chất nổ, gây nổ xảy ra 66 vụ, tăng gần hai lần; tội phạm chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại lực lượng Công an tăng gần 6%... Hoạt động của tội phạm có sự đan xen, liên kết giữa tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy hoặc núp dưới hình thức các doanh nghiệp để phạm tội.
Công an cả nước đã điều tra, khám phá hơn 38.000 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 73,4%; triệt phá gần 3.000 băng nhóm tội phạm; điều tra, khám phá nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng; giải cứu thành công 100% các vụ bắt cóc, tống tiền, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em. Lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 17.823 vụ phạm tội về ma túy, bắt giữ 26.135 đối tượng, thu giữ 690kg heroin, 175kg thuốc phiện và hàng trăm ngàn viên ma túy tổng hợp.
Công an toàn quốc cũng đã phát hiện, xử lý gần 10.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tăng 26,92% so với năm 2011. Tai nạn giao thông giảm cả 3 mặt, cả nước đã xảy ra 36.376 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.838 người, bị thương 38.060 người (giảm 17% về số vụ, 14% số người chết, 20% số người bị thương so với năm 2011).
Thời gian này, cơ quan công an cũng đã phát hiện 11.620 vụ phạm tội về kinh tế; 324 vụ tham nhũng (tăng 28,57% so với năm 2011) xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý tài sản công, ngân hàng, tài chính, quản lý sử dụng đất. Đáng chú ý là những vụ việc lớn, được dư luận đồng tình và đánh giá cao như vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ MB24, vụ Công ty cho thuê tài chính II.
Qua công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, đã chủ động kiến nghị nhiều chủ trương, giải pháp khắc phục những sơ hở, yếu kém về quản lý kinh tế, đảm bảo an ninh kinh tế; phát hiện và đề xuất, xử lý kịp thời một số vấn đề bất cập trong ban hành, sửa đổi các quy định, chính sách kinh tế, góp phần vào việc đảm bảo ổn định thị trường và chống thất thoát tài sản của Nhà nước.
Những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm có ý nghĩa đột phá trong năm 2013 của lực lượng công an nhân dân là nâng cao chất lượng, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ; tiếp tục tăng cường toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công an cấp huyện; kiện toàn tổ chức bộ máy, tập trung củng cố cơ quan điều tra các cấp; siết chặt trật tự, kỷ cương, kỷ luật và chấp hành Điều lệnh Công an Nhân dân.
Khẳng định quan điểm của lãnh đạo Bộ Công an đối với trường hợp cán bộ, chiến sỹ vi phạm kỷ luật, pháp luật, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu nêu rõ, Đảng ủy Công an Trung ương kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của cán bộ, chiến sỹ trong ngành dù người đó ở bất kỳ vị trí công tác nào.
Trong quá trình xử lý, lãnh đạo Bộ cũng sẽ tiến hành xem xét trách nhiệm của cán bộ quản lý để xảy ra vi phạm trong cơ quan, đơn vị do mình phụ trách./