Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải nâng “tuổi thọ” của luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khả năng thích ứng của pháp luật trước sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn còn hạn chế, còn tình trạng luật chưa đi vào cuộc sống đã phải bổ sung, sửa đổi. Đó là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri mong muốn sẽ được khắc phục trong thời gian tới.

 Ảnh minh họa.
Quá nhiều luật phải sửa, bổ sung

Theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hiện chúng ta đã có một hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, chất lượng văn bản pháp luật ngày càng được nâng lên. Các luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã bám sát yêu cầu của cuộc sống, cơ bản đáp ứng các tiêu chí về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch của hệ thống pháp luật. Qua đó, xử lý tốt những vấn đề phức tạp mà thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đã thẳng thắn chỉ ra "tuổi thọ" của luật quá ngắn, trong 72 luật đã thông qua trong nhiệm kỳ này có hơn 1/3 là luật sửa đổi và bổ sung. Theo ông Trần Hoàng Ngân, đã là luật phải mang tính ổn định lâu dài, thời gian qua có những luật mới ban hành, chưa đi vào cuộc sống đã phải bổ sung, sửa đổi.

Thống kê điển hình cho thấy, một số luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều như Luật Đầu tư năm 2014 được sửa đổi, bổ sung 5 lần (vào các năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019) và được sửa đổi toàn diện năm 2020. Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung 4 lần (vào các năm 2016, 2018, 2019 và 2020)… Về việc quy định chi tiết thi hành luật, một số ý kiến cho rằng, phải tăng cường giám sát để những văn bản quy phạm pháp luật, nghị định, thông tư phải phù hợp với luật mà được Quốc hội thông qua và phù hợp với thực tế cuộc sống.

Tránh “tham nhũng chính sách”

Việc đề cao chất lượng của khâu phân tích chính sách khi xây dựng luật, đồng thời, chú trọng hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, DN, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách cũng được đề ra. Nhiều ý kiến cho rằng, trong những năm qua, các luật được thông qua bảo đảm chất lượng, công khai, minh bạch, công bằng và không có biểu hiện "tham nhũng chính sách". Tuy nhiên, dư địa để dẫn đến “tham nhũng chính sách” vẫn có nên rất cần lưu ý, để tránh xảy ra. Ví dụ như các quy định liên quan đến quản lý đất đai, ưu đãi trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính về quy trình, thủ tục, về phân cấp, phân quyền trong quyết định các dự án cũng là những mảnh đất có thể phát sinh nguy cơ "tham nhũng chính sách".

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cho rằng, pháp luật là công cụ điều chỉnh xã hội nên rất cần sự liêm chính trong công tác xây dựng pháp luật, bởi sẽ xây dựng được những văn bản pháp luật khách quan, toàn diện, có ý nghĩa rất tốt trong việc thúc đẩy quan hệ xã hội. Có sự liêm chính sẽ không quy định lợi ích của một số bộ, ngành đặc biệt là bộ, ngành được giao soạn thảo dự án luật. Nếu thiếu sự liêm chính sẽ tạo ra những văn bản pháp luật nhiều "khuyết tật". Trong đó, vòng đời của các văn bản pháp luật đó rất ngắn và kéo theo Chính phủ, Quốc hội phải tốn kém thời gian kinh phí để ban hành văn bản pháp luật thay thế.

Cùng với đó, tăng cường ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào đổi mới, cải tiến quy trình xây dựng pháp luật cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong những năm tới. Qua đó, có thể rút ngắn quy trình, tiết giảm thời gian, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo, tổng hợp đánh giá thông tin, phản biện về chính sách…