Theo báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội do ông Phùng Quốc Hiển (Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách) trình bày, nhìn chung việc sử dụng nguồn vốn TPCP để đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật kinh tế, xã hội cấp bách đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng. Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ do thiếu hệ thống tiêu chí cụ thể, khoa học, ngoài một số nguyên tắc phân bổ theo các năm nên việc phân bổ nguồn vốn TPCP cho các dự án của các bộ, ngành, địa phương còn nhiều yếu tố chưa hợp lý, chưa công bằng.
Một trong những mục tiêu chính, quan trọng của Quốc hội là ưu tiên đầu tư cho giao thông, thủy lợi miền núi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỉ lệ phân bổ vốn TPCP cho các tỉnh miền núi khó khăn chiếm tỉ trọng không cao, vốn bố trí thấp hơn rất nhiều so với các địa phương không thuộc địa bàn được ưu tiên bố trí vốn. Cụ thể, qua tổng hợp số liệu phân bổ vốn TPCP giai đoạn 2012 - 2015: TP Hà Nội được bố trí 2.111,6 tỉ đồng, Hưng Yên 2.514,7 tỉ đồng, Hà Nam 2.778,4 tỉ đồng, Hà Tĩnh 3.705,9 tỉ, Bà Rịa - Vũng Tàu 1.716,3 tỉ đồng..., trong khi các tỉnh khu vực miền núi khó khăn được bố trí vốn thấp: Tuyên Quang 874,826 tỉ đồng, Cao Bằng 712,895 tỉ, Yên Bái 695,702 tỉ, Tây Ninh 393,943 tỉ...
Quốc hội làm việc sáng nay 7/6/2013.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chỉ ra việc phân bổ vốn TPCP trong giai đoạn 2006 - 2012 còn dàn trải; bổ sung nhiều mục tiêu, số lượng dự án và tổng mức đầu tư tăng nhanh, dẫn đến thiếu vốn; nhiều dự án đang triển khai phải cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực, khó khăn cho việc bố trí vốn để hoàn thành các dự án.
Thảo luận tại hội trường, các ĐB cho rằng việc Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn TPCP giai đoạn 2006 - 2012 chưa nghiêm, bộc lộ khá nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém. Nhiều dự án trước khi quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn đầu tư, không cân đối đủ vốn, vượt quá khả năng kinh tế, dẫn tới thiếu vốn nghiêm trọng, nợ đọng, dở dang, lãng phí. Một hiện tượng hay được nhắc đến là những đường dây "chạy dự án", nếu xét về bản chất, nhà thầu cũng chỉ đóng vai trò móc nối và "bôi trơn", còn trách nhiệm chủ yếu thuộc về chủ đầu tư và các cơ quan tham mưu của chủ đầu tư, thường được đánh giá theo cách né tránh. Cách nhìn thiếu khoa học nói trên đang từng bước được khắc phục, tuy nhiên vẫn rất cần một thái độ triệt để, nhìn thẳng vào sự thật. "Có cái gì đó đằng sau lợi nhuận muốn tìm kiếm từ công trình" (ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Quảng Bình).
Ngoài ra, theo ĐB Nguyễn Văn Học (Lâm Đồng), có một số nguyên nhân gây tốn kém, lãng phí trong đầu tư vốn TPCP trong thời gian qua là do chất lượng khảo sát thiết kế của nhiều dự án chưa đạt yêu cầu, chưa thực tế, giải pháp thi công chưa hợp lý, nhiều công trình đầu tư thừa công suất, thiếu đồng bộ, công tác thẩm tra nhiều sai sót, dự án kéo dài không đảm bảo tiến độ… Trong khi đó thì nhiều dự án được cấp vốn trước khá lớn, được giải ngân vượt kế hoạch được giao, trong quyết toán có một số trường hợp không đúng quy định của pháp luật, thanh toán khống khi chưa có khối lượng thi công, chưa nghiêm thu thực tế thi công. Thí dụ, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước thì một số dự án tại tỉnh Lai Châu đã thanh toán dư khối lượng, nợ khối lượng đến 273 tỷ đồng, tỉnh Phú Thọ còn nợ 105 tỷ, đồng tại tỉnh Hà Tĩnh được tạm ứng quá lớn, đến hết năm 2012 được tạm ứng 432 tỷ đồng nhưng mới hoàn ứng được 40 tỷ đồng (chưa được 10%); Có dự án chủ đầu tư đã nghiệm thu và thanh toán trước sai luật, thí dụ đoạn đường ở Ngọc Thành (tỉnh Kiên Giang).
“Nguyên nhân gây lãng phí TPCP trong năm vừa qua còn do việc nhà đầu tư chọn đơn vị có năng lực thi công thấp, bỏ thầu rất thấp, trúng thầu sau đó xin tăng mức đầu tư và chia thành các tiểu dự án gây tốn kém khi thi công. Các chi phí khác phục vụ cho dự án cũng rất hình thức và tốn kém, thí dụ như lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành… làm quá nhiều, quá hoành tráng, không cần thiết”, ĐB Học nói.
Từ những phân tích nêu trên, nhiều ĐB đề nghị, nguồn TPCP giai đoạn 2011 – 2015 cần đầu tư cho các dự án đang thi công dở dang, đặc biệt là một số dự án trong các lĩnh vực cần ưu tiên như: các trường học đang xuống cấp, các bệnh viện...
Mục tiêu của Đề án kiên cố hóa trường lớp học đề ra là triển khai và hoàn thành trong giai đoạn 2008 - 2012 nhưng đến nay, mới có 93.063 phòng học trên cả nước được xây dựng, đạt 65,5% so với kế hoạch cả giai đoạn và 22.997 phòng công vụ giáo viên được xây dựng, chỉ đạt 40,6% kế hoạch cả giai đoạn.
Giải trình, làm rõ thêm nội dung này trước Quốc hội sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: TPCP để thực hiện kiên cố hóa trường lớp với tinh thần là hỗ trợ chứ không phải là chi hoàn toàn. Theo kế hoạch, phần kinh phí dự kiến là 24.800 tỷ đồng cho giai đoạn 2008-2012, trong đó, TP trung ương là 17.100 tỷ, chiếm 68%, kinh phí địa phương huy động là 7.700 tỷ chiếm 32%. Thực tế, các địa phương có điều kiện thuận lợi, ngân sách địa phương đối ứng có thể đến 60-80%, địa phương khó khăn thì đối ứng 20%. Trong quá trình triển khai, chỉ sau 6 tháng xuất hiện một số bất cập.
Thứ nhất, về giá cả, chúng ta xây dựng khung giá năm 2008 nhưng lạm phát xuất hiện, sau 6 tháng, các địa phương yêu cầu tăng định mức để đảm bảo số trường lớp học; Về thiết kế, Bộ Xây dựng đã có thiết kế trường cho các khu vực nhưng thực tế nền móng của trường lớp học không thể thiết kế chung cho cả nước được. Vì thế, khi thiết kế có yêu cầu điều chỉnh do Sở Giáo dục và Sở xây dựng địa phương cùng tham mưu giải quyết; Về chi phí xây dựng trường lớp học: Vật tư đưa lên miền núi giá cả khác miền xuôi. Chi phí xây dựng là do địa phương quyết định, thực hiện dưới sự giám sát của cơ sở.
Sắp tới, Phó Thủ tướng cho biết: “Chúng tôi đồng tình cao với phương án Quốc hội đã nêu ra. Làm sao chúng ta nếu tiếp tục triển khai chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giai đoạn 2016 trở đi thì rút ra những bài học và nội dung làm tốt hơn”.
|