Một số tỉnh cho lập các trạm đăng kiểm vô tội vạ
Tại Hội nghị Tổng kết công tác bảo đảm TTATGT năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngày 9/2, ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, có 3 yếu tố liên quan đến ATGT là hạ tầng, con người và phương tiện. Từ đó, đề ra giải pháp tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch GPLX, bố trí nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng hạ tầng đường bộ hàng năm nhằm đảm bảo ATGT.
Về phương tiện, ông Mai Xuân Liêm đề nghị Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo vai trò, trách nhiệm của Sở GTVT các tỉnh trong việc thực hiện quản lý Nhà nước trong hoạt động của các trạm đăng kiểm trên địa bàn.
"Chỉ riêng lực lượng của Cục Đăng kiểm Việt Nam khó có thể kiểm soát toàn bộ hoạt động của các trung tâm đăng kiểm tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Do đó cần gắn trách nhiệm của địa phương trong quản lý các trung tâm đăng kiểm cao hơn" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm nhìn nhận.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, khi đi sâu tìm hiểu tiêu cực trong đăng kiểm xe cơ giới xảy ra vừa qua, nhận thấy nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Sở GTVT các địa phương nhưng không đi cùng với giám sát, kiểm tra.
Lý giải thêm, theo Bộ trưởng Bộ GTVT, một số địa phương cho thành lập các trung tâm đăng kiểm vô tội vạ. Khi có nhiều trạm đăng kiểm thì doanh thu không đủ chi phí, có trạm đăng kiểm lôi kéo doanh nghiệp vận tải dẫn tới tiêu cực, bỏ qua các lỗi vi phạm. Thậm chí, sự cạnh tranh khốc liệt hơn là dung túng, thông đồng chủ xe để cơi nới kích thước thành, thùng hàng.
“Tất cả Cục Đăng kiểm “chịu trận” mà rõ ràng vai trò trách nhiệm của các địa phương rất lớn ở chỗ này. Sắp tới, Bộ GTVT phân cấp, phân quyền nhưng sẽ siết chặt thanh kiểm tra. Các Sở GTVT và UBND tỉnh cần phân tích rất rõ ranh giới, phối hợp nhau để chỗ nào có lỗ hổng thì bịt vào, quy định lỏng lẻo phải có ý kiến để siết lại, cái nào chặt quá thì mở ra… Hiện, Bộ GTVT đang làm và đề nghị các tỉnh phối hợp làm tốt hơn, đồng thời gắn với cả đồng trách nhiệm cụ thể” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Đầu tư ứng dụng công nghệ quản lý, xử phạt vi phạm giao thông
Tại hội nghị, Thượng tá Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, năm 2023, lực lượng CSGT xác định các chuyên đề trọng tâm, xử lý xuyên suốt nồng độ cồn, chấn chỉnh người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ để đảm bảo thượng tôn pháp luật…
“Hiện nay, người dân khi đi đăng ký xe, đăng ký kết hôn… đều phải "xách xe" ra đường nên công an tập trung đẩy mạnh dịch vụ công, ứng dụng công nghệ thông tin để người dân có thể nộp phạt xử lý vi phạm hay đăng ký xe tại nhà tránh ùn tắc và TNGT; sẽ nghiên cứu phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng…” - Thượng tá Phạm Quang Huy nói thêm.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị lực lượng Cảnh sát giao thông cần thực hiện công tác này thường xuyên liên tục để hình thành thói quen văn hóa tham gia giao thông của người dân. Ứng dụng dịch vụ công trực tuyến là giải pháp thiết thực không chỉ lực lượng CSGT mà các địa phương cũng cần tăng cường để chỉ việc gì thực sự cần thiết, người dân mới phải “xách xe” ra đường, góp phần hạn chế TNGT.
Tại hội nghị, sau khi lắng nghe các tham luận của một số tỉnh, TP, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị UBND các địa phương dành nguồn lực quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, xử lý vi phạm ATGT.
Cùng với đó, cần kiên trì, kiên quyết thực hiện các giải pháp đã đề ra, phải làm thường xuyên liên tục, từ đó, tạo ra văn hóa trong chấp hành luật lệ giao thông.