Tuy nhiên trên thực tế, nhiều chủ đầu tư bằng các thủ thuật đã cố tình luồn lách để xây dựng trái phép, không phép. Việc UBND TP Hà Nội ban hành những quy định mới về cấp phép xây dựng thuộc Quyết định số 20/2016/QĐ-UBND, có hiệu lực thi hành từ ngày 4/7, không chỉ thể hiện tinh thần cải cách hành chính, sự quyết liệt của Hà Nội mà còn minh chứng cho thấy TP đã có đủ căn cứ pháp lý, quy hoạch để cấp phép xây dựng có cơ sở chứ không chung chung, đại khái nữa - nguyên Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm nhận định. Đã phân cấp cụ thể trách nhiệm Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, vấn đề cấp phép xây dựng của Hà Nội trong thời gian vừa qua còn nhiều bất cập, hạn chế, một số quy định cấp phép thiếu rõ ràng gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý trật tự xây dựng nói chung. Điển hình "thời sự" rõ nhất là vụ chung cư 8B Lê Trực. Cụ thể, công trình xây cao 69m, vượt phép 16m (tương đương 5 tầng), không giật cấp để tạo khoảng lùi dẫn đến diện tích sàn xây dựng vượt thêm trên 6.000m2. Nhìn phổ quát hơn thì những dạng công trình như 8B Lê Trực đang xảy ra phổ biến, thể hiện sự yếu kém về cấp phường, quận trong công tác quản lý xây dựng có đúng giấy phép cấp hay không.
“Chính vì vậy, khi Hà Nội áp dụng quyết định mới về vấn đề cấp phép xây dựng tôi rất hoan nghênh vì đã đưa ra những quy định khắc phục được tình trạng bất cập hiện nay về việc xin cấp phép và quản lý xây dựng theo giấy phép được cấp. Về mặt quản lý, đây là động thái tốt của Hà Nội vì đã nhìn thấy được những yếu kém thật sự đang xảy ra và nhanh chóng chấn chỉnh bằng quy định mới hợp lý. Tất nhiên vẫn cần thực hiện một thời gian, lúc này thực tế sẽ là thước đo để xem quy định mới có cần điều chỉnh gì nữa không. Nhưng điều quan trọng trước mắt là hãy thực hiện tốt theo quy định này đã” - ông Võ phân tích. Đánh giá về văn bản mới, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, trong quy định cấp phép xây dựng lần này đã xác định rất rõ và chặt chẽ thẩm quyền của Sở Xây dựng, Ban quản lý khu Công nghiệp, Khu chế xuất, UBND các quận, huyện. Đặc biệt, lần đầu tiên Hà Nội khẳng định rõ trách nhiệm của các sở có liên quan. Trong danh mục được nêu có tới 11 sở liên quan thì rõ ràng đây là công việc phân cấp cụ thể, chi tiết. Song song với thẩm quyền của các quận, huyện còn xác định trách nhiệm của phường, xã và chủ đầu tư. Cuối cùng văn bản đã làm rõ các loại hình giấy phép xây dựng, bên cạnh giấy phép xây dựng chính thức thì ở đây còn quy định cấp phép xây dựng có thời hạn. Đáng chú ý Hà Nội cũng quy định cấp phép có thời hạn với những khu vực có quy hoạch nhưng chưa phù hợp với kế hoạch sử dụng đất thì được phép xây dựng 4 tầng. Đây là quy định tạo điều kiện cho Nhân dân có thể cải thiện nơi ở, nâng cao chất lượng sống. Không xử lý nửa vời Theo các chuyên gia xây dựng, từ sau khi mở rộng ranh giới Hà Nội ra, đặc biệt sau Đại hội Đảng bộ TP mới đây, Hà Nội đã có những khí thế mới và quan trọng là giải quyết được các nhiệm vụ trọng tâm. Trong nhiệm kỳ mới thì 4 khâu đột phá vẫn chú trọng phát triển kinh tế song song với phát triển văn hóa, ổn định chính trị. Tạo tiền đề nâng tầng công tác quản lý xây dựng đô thị lên thành khâu đột phá trọng tâm. Đặc biệt, trong đó vấn đề cải cách hành chính được xem là tiền đề giữ vững phát triển Hà Nội. Vậy với Quyết định số 20/2016/QD-UBND này có thể nhìn nhận Hà Nội đã làm được một số việc cụ thể, thể hiện quyết tâm thực hiện các khâu đột phá, minh chứng cho việc công khai thông tin minh bạch của TP. Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, tồn tại lớn nhất của cấp phép này khi đưa vào hiện thực là làm sao truyền tải được cấp phép này tới tận các tổ dân phố và chủ đầu tư. Vì lẽ đó, phải có chiến dịch tuyên truyền rộng rãi để người dân thấy đã có cải cách, đã có cởi mở nên họ cũng phải có trách nhiệm. Như vậy công tác tập huấn trao đổi nâng cao vai trò của dân, đưa quy định đến tận tay dân là việc cần thiết. Đồng thời khi đã mở thoát cấp phép xây dựng thì trường hợp xảy ra sai phạm phải có hình thức xử lý đích đáng, răn đe các trường hợp sau, không thể nửa vời cho xong. Theo các chuyên gia trong ngành, ngay từ đầu chúng ta cần làm tốt cách thức tiền kiểm. Cụ thể khi quy hoạch được duyệt và dự án triển khai, ban quản lý của khu vực phát triển đô thị này có trách nhiệm kiểm tra theo đúng với quy hoạch, tiến độ thực hiện dự án đã được duyệt, đồng thời sẽ thổi còi những nội dung sai phép. Những vi phạm trong phạm vi cho phép sẽ giao cho ban xử lý tại chỗ, nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo lên cấp trên để xử lý tiếp thì tình trạng “xây xong mới vỡ lở”, hay nhà "siêu mỏng, siêu méo" sẽ khó có đất để tồn tại. Trong khi đó, GS TSKH Đặng Hùng Võ lại đánh giá cao nội dung phân cấp việc cấp giấy xây dựng trong văn bản mới lần này. Việc phân cấp bao giờ cũng là tốt, bởi vì các cấp cao chỉ nên làm những việc mang tính chiến lược, định hướng, chủ trương đường lối, phát ra chính sách. Còn việc làm cụ thể nên để ở những cấp gần với dân hơn. Về nguyên tắc thì phân cấp là hoàn toàn hợp lý. Chỉ có điều là phân cấp xong thì phải làm tốt công việc kiểm tra, thanh tra và giám sát của HĐND. Tức là quá trình hậu kiểm tốt. Cái gọi là phân cấp theo quy định mới chỉ đúng khi song song với nó UBND phải làm tốt việc thanh tra, kiểm tra còn HĐND các cấp thực hiện giám sát. Nếu công tác này thực thi nghiêm túc thì chắc chắn việc phân cấp bao giờ cũng tốt hơn tập trung quyền lực. Đồng quan điểm, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho hay: “Việc phân cấp thì bao giờ cũng phải đi đôi với kiểm tra, chứ nếu phân cấp mà không kiểm tra thực hiện thì lại thành phân tán. Cho nên khi quy định phân cấp thì cũng phải quy định chi tiết đội thanh tra, kiểm tra như thế nào và ai có trách nhiệm làm cái đó. Đặc biệt khi phân cấp giấy phép xây dựng thì thanh tra xây dựng có làm không, có được phân cấp không. Nếu thanh tra xây dựng được phân cấp thì thanh tra nội dung gì, giấy phép nào…”.
Tòa nhà 8B Lê Trực - công trình vi phạm xây dựng, nhưng việc xử lý còn chậm. Ảnh: Phạm Hùng |
Bàn giao Thanh tra Xây dựng về quận, huyện Ngày 29/7, Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành bàn giao lực lượng Thanh tra Xây dựng cho các quận, huyện trực tiếp chỉ đạo, điều hành để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng theo Quyết định số 3973 của UBND TP Hà Nội ngày 20/7/2016. Theo ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, sau hơn 2 năm giao các Đội Thanh tra Xây dựng về Sở Xây dựng đã nảy sinh bất cập trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đặc biệt là khu vực ngoại thành. Do đó, việc bàn giao lại các Đội Thanh tra Xây dựng cho các quận, huyện, thị xã quản lý là một trong những biện pháp nhằm đưa công tác quản lý trật tự xây dựng đi vào nền nếp, hiệu quả, giảm thiểu các công trình vi phạm trật tự xây dựng nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị. (Công Trình) Quyết định số 20/2016/QĐ-UBND của UBND TP quy định rõ thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của các cơ quan thuộc TP, như Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng các công trình cấp I, cấp II; công trình tôn giáo thuộc dự án do các tổ chức tôn giáo làm chủ đầu tư; công trình đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá; công trình tượng đài, tranh hoành tráng; công trình thuộc dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (không bao gồm báo cáo kinh tế kỹ thuật) thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư; công trình nằm trên địa bàn từ hai quận, huyện, thị xã trở lên; công trình xây dựng (bao gồm cả biển quảng cáo tấm lớn gắn trên công trình hoặc đứng độc lập) tiếp giáp với một trong các tuyến phố (thuộc địa bàn các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất cấp giấy phép xây dựng các công trình nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc thẩm quyền quản lý; UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong đô thị (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ kết hợp chức năng khác không phân biệt quy mô và nhà biệt thự), trung tâm cụm xã, khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng thuộc địa bàn mình quản lý theo quy định. |