Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phấn đấu 85% người cao tuổi ở Hà Nội được quản lý sức khỏe tại tuyến xã

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 10/8, Sở Y tế Hà Nội tổ chức Hội thảo Đóng góp hoàn thiện Đề án Chăm sóc sức khỏe (CSSK) Người cao tuổi (NCT) trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 – 2025.

Theo dự thảo, đề án được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2017 – 2020) với nhiệm vụ chính là tập trung cho CSSK NCT tại cộng đồng bằng việc tăng cường các hoạt dồng truyền thông thay đổi hành vi, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý sức khỏe NCT tại các trạm y tế, thành lập bệnh viện lão khoa, trung tâm dịch vụ CSSK NCT…Giai đoạn 2 (2021 – 2025) sẽ lựa chọn đẩy mạnh và nhận rộng các mô hình CSSK NCT đã triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 1.

 Chăm sóc người bệnh tại Khoa Lão, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa

Trước đó, để xây dựng dự thảo Đề án, Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã có cuộc khảo sát nhanh về tình hình CSSK NCT tại 584 xã, phường. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 90% NCT có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe. Đồng thời ít nhất 85% NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trở lên/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe tại Trạm Y tế tuyến xã. Tổng kinh phí chi cho đề án là trên 150 tỷ đồng, trong đó khoảng 30% là kinh phí xã hội hóa.

Góp ý cho đề án, Viện trưởng Viện Lão khoa T.Ư Phạm Thắng cho rằng, quần thể NCT là quần thể không đồng nhất, có người yếu, người khỏe nên đề án phải cho những chương trình phù hợp với từng độ tuổi của NCT. Về vấn đề thành lập Bệnh viện lão khoa tại Hà Nội là rất cần thiết nhưng cần xem xét quy mô lớn nhỏ cụ thể như thế nào để tránh lãng phí. Bên cạnh đó, trong đề án phải ghi rõ bệnh viện nào phải thành lập khoa Lão, bệnh viện nào chỉ cần có một số giường dành cho lão khoa, nguồn nhân lực cho khoa lão ban đầu chỉ cần các bác sĩ nội khoa tránh tình trạng đòi hỏi nguồn nhân lực ngay ban đầu phải là bác sĩ lão khoa, xác định rõ đối tượng nào cần phải khoa lão để tránh chồng chéo. Không nên xây nhà dưỡng lão một cách đại trà, tìm những ưu đãi để kêu gọi DN vào vấn đề này. “Trong quá trình triển khai, nếu Hà Nội gặp vướng mắc trong đào tạo nguồn nhân lực, Bệnh viện Lão khoa T.Ư cam kết sẽ giúp đỡ” – TS Phạm Thắng khẳng định.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, Việt Nam đang trong cơ cấu dân số vàng những tốc độ già hóa tăng nhanh, tốc độ già hóa dân số ở Hà Nội cũng nằm trong bối cảnh này, năm 2016 có 12,6% dân số là NCT. Đi kèm theo đó là nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT. Hiện nay, nhu cầu CSSK NCT vẫn chưa được đáp ứng, rất ít bệnh viện tuyến TP có khoa Lão, hầu hết các bệnh viện đa khoa không có. Trong cộng đồng, cũng chưa có hệ thống hoàn chỉnh để CSSK NCT. Một số mô hình CSSK NCT đã có nhưng còn manh mún, chưa hệ thống hóa, chưa đáp ứng được một cách đầy đủ. Do vậy, việc hoàn thiện đề án để trình UBND TP và Bộ Y tế là cần thiết để nâng cao chất lượng CSSK NCT trên địa bàn TP.