Hầm đường bộ Kim Liên. Ảnh: Linh Anh
Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiềm chế, làm giảm tai nạn và UTGT, phấn đấu hàng năm kiềm chế, làm giảm từ 5 -10% số vụ TNGT và giảm UTGT đường bộ. Giảm thiểu đến mức thấp nhất số người chết do TNGT, giảm UTGT được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và được xác định rõ trong chương trình công tác hàng năm và dài hạn của các Bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, TP tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kiềm chế, giảm tai nạn và UTGT; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện và tích cực vận động gia đình và người thân chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự ATGT; việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT là một tiêu chuẩn đánh giá kết quả công tác hàng năm của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công nhân viên. Giao Bộ VHTT&DL xây dựng, công bố tiêu chí về "văn hóa giao thông". Bộ GD&ĐT đưa giáo dục ATGT vào chương trình giảng dạy chính khóa tại các cấp học. Yêu cầu Bộ GTVT xây dựng trình Chính phủ đề án hạn chế phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn; chỉ đạo các cơ quan quản lý đường bộ thường xuyên rà soát để phát hiện và xử lý kịp thời các "điểm đen" về TNGT. Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi quy định về lệ phí trước bạ đối với các trường hợp sang tên, di chuyển phương tiện đã đăng ký. Bộ Công an chủ trì thực hiện Dự án "Xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến quốc lộ trọng điểm", trước mắt, tập trung xây dựng trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, nội đô TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn...
UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần ưu tiên xây dựng các cầu vượt nhẹ, hầm tại các nút giao thông trọng điểm; lập quy hoạch và tổ chức xây dựng các bãi, điểm đỗ xe ngầm hoặc nhiều tầng. Phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Công an đánh giá tác động việc thực hiện điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn, từ đó có giải pháp để phân giãn phương tiện, người tham gia giao thông trong giờ cao điểm.