Kinhtedothi - Ngày 26/4, trước khi bế mạc phiên họp thứ 47, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về các Dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và việc nhập chia điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; Nghị quyết về phân loại đô thị.
Trong đó, nhiều ý kiến đã đặt vấn đề, phân loại là để phát triển kinh tế, xã hội, nhưng mới chủ yếu là quản lý đô thị.
Vấn đề được nhiều thành viên UBTV Quốc hội quan tâm chính là các tiêu chí, tiêu chuẩn để phân loại đơn vị hành chính, đô thị cũng như mục đích phân loại. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: “Khi quy định tiêu chuẩn phân loại phải tính đến xu thế hiện nay trên thế giới, đang có sự chuyển dịch lớn của cư dân nông thôn về đô thị, dân cư ở khu kém phát triển dồn về khu phát triển, ở nước kém phát triển dồn về nước phát triển”. Đồng thời nhận định, những tiêu chí đưa ra chưa thỏa mãn khi vẫn dùng cách cũ để đánh giá. “Phân loại vấn đề dân số và mật độ dân số phải đặt lên hàng đầu, bởi người dân luôn hướng về nơi có điều kiện tốt nhất. Chúng ta đưa vấn đề diện tích lên đầu, còn vấn đề dân số đứng thứ ba là không đúng. Quy mô của nền kinh tế phải tính thứ hai, vì còn liên quan đến thu ngân sách. Thứ ba mới là vấn đề diện tích. Cuối cùng là đơn vị hành chính. 4 tiêu chí này có thể nói là quan trọng nhất, còn các tiêu chí khác nếu cứ đưa vào như thế này thì suốt đời chúng ta sẽ nợ tiêu chuẩn” - ông Hiển chỉ rõ.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng: Hiện đang có tình trạng nợ tiêu chí đô thị, cứ xin lên đô thị rồi vài ba năm phấn đấu các tiêu chí thiếu, nhưng thực tế có nhiều nơi không phấn đấu được trong khi chúng ta không có thời gian để xét lại. “Vì thế cần có tiêu chí cụ thể để họ phấn đấu, chứ đừng có giới hạn làm mất hưng phấn vươn lên” - ông Phúc nêu. Một số ý kiến khác cho rằng, đô thị không có nghĩa xây nhà rồi mời dân vào ở, quan trọng là phân loại để phát triển kinh tế, xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đề nghị ban soạn thảo cần rà soát thêm về số liệu, định mức được quy định trong từng tiêu chuẩn, tiêu chí tại các Dự thảo Nghị quyết để đảm bảo chất lượng và tính khả thi của văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng sau này.
Giải trình về các vấn đề được đưa ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận có tình trạng cho địa phương nợ tiêu chí, nên dẫn đến việc được lên đô thị rồi nhưng khắc phục, hoàn thiện tiêu chí rất chậm, thậm chí có nhiều nơi không để ý đến. “Vì thế bây giờ theo tinh thần mới, chúng tôi tính không cho nợ tiêu chí và sau 5 năm sẽ đánh giá lại, nếu thấy không được thì xem xét lại đối với đô thị đó” - Bộ trưởng phân trần.
Trước ý kiến đề nghị không quy định tiêu chuẩn đô thị loại đặc biệt trong dự thảo Nghị quyết vì trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt, cơ quan soạn thảo cho rằng, việc xác định tiêu chí của loại đô thị đặc biệt không nhằm để xem xét, công nhận loại đô thị cho 2 TP, mà là cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch dự án đầu tư phát triển theo đúng quy hoạch được phê duyệt.
Trên cơ sở thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ cùng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan hữu quan cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình UBTV Quốc hội xem xét trước khi thông qua.
Khu đô thị mới Linh Đàm. Ảnh: Công Hùng
|