Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân loại rác tại nguồn – Nút thắt trong quản lý rác thải nhựa

Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các quốc gia có lượng rác thải nhựa đổ ra biển lớn với 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm)(*). Để giải quyết bài toán ô nhiễm trắng, nút thắt đầu tiên và quan trọng chính là đảm bảo Phân loại rác tại nguồn được thực hiện tốt, để nhựa dễ dàng được thu gom, tái chế, tái sử dụng. Nút thắt này đang dần được cởi bỏ nhờ vào sự phối hợp giữa Unilever và URENCO Hà Nội trong năm 2020.

Bài toán khó nhiều năm ở Việt Nam
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm từ 8 – 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Việt Nam cũng đứng thứ 4 trong số các quốc gia có lượng rác thải nhựa đổ ra biển lớn với 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm.

Điều đáng chú ý là trong tổng số rác thải nhựa ra môi trường, ước tính chỉ có khoảng 6% được tái chế, khoảng 8% đã bị thiêu hủy. Phần còn lại - 55% - đã tích lũy trong các bãi chôn lấp, bãi rác hoặc môi trường tự nhiên. Việc thu gom, xử lý, tái chế khi nhựa đã bị trộn lẫn cùng những loại chất thải khác sẽ rất khó khăn và tốn kém (*)

 Theo một nghiên cứu của World Bank vào năm 2018, Việt Nam là nước đứng thứ 4 trong khu vực về lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm.
Trên thực tế, một số địa phương đã thực hiện thí điểm hoặc thử nghiệm phân loại rác tại nguồn, song các phương án phân loại hiện nay không đồng nhất. Và điều đáng nói là dù có chia làm 2,3 hay 4 loại rác khác nhau, thì phương án thu gom và xử lý tại các địa phương vẫn chưa được đồng bộ hóa. Việc thu gom vận chuyển được thực hiện khác nhau giữa đô thị và nông thôn, giữa các địa phương và thậm chí giữa các vùng trong cùng một địa phương. Thực trạng phức tạp trong bức tranh quản lý chất thải tại Việt Nam khiến cho nhựa vẫn tiếp tục bị thải ra môi trường tự nhiên gây ô nhiễm, và trong số đó chỉ một tỉ lệ rất nhỏ nhựa có giá trị cao mới được xử lý và tái chế.
Thực tế trong ngành quản lý rác thải tại các quốc gia phát triển cho thấy, việc phân loại rác thải tại nguồn nếu được thực hiện tốt sẽ tăng hiệu quả cho việc bóc tách rác thải nhựa ra khỏi “núi rác” tổng hợp, giúp cho quy trình thu gom, xử lý, tái chế được tiến hành thuận lợi và triệt để hơn.
Doanh nghiệp tiên phong tham gia tìm lời giải
Nhận thấy việc phân loại rác tại nguồn tốt sẽ giúp giải quyết nút thắt, giúp nhựa dễ dàng được tái chế và tái sử dụng, từ đó hạn chế việc nhựa bị thải ra môi trường tự nhiên gây ô nhiễm, giúp môi trường sống xanh sạch đẹp, Unilever Việt Nam là doanh nghiệp tiên phong theo đuổi chương trình này.

Ngày 22/6, Unilever Việt Nam và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) đã ký kết phê chuẩn chương trình hành động và mục tiêu năm 2020. Chương trình nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác dài hạn giữa Unilever và URENCO "Phân loại rác tại nguồn gắn liền với Thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội" giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, URENCO chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển, tái chế các loại rác thải. Unilever là đơn vị đối tác chiến lược, hỗ trợ tài chính đồng hành cùng URENCO triển khai hoạt động thu gom và thực hiện công tác tuyên truyền, truyền thông giúp người dân hình thành và duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn.
 Đại diện Unilever Việt Nam và URENCO ký kết phê chuẩn chương trình Phân loại rác tại nguồn tại Hà Nội năm 2020
Theo kế hoạch hành động năm 2020, Chương trình “Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa” sẽ được Unilever và URENCO tiên phong triển khai tại quận Hoàn Kiếm. Đây là Chương trình đầu tiên tại Việt Nam đưa ra được những phương án cụ thể nhằm đồng bộ hóa tất cả các khâu từ phân loại rác tại nguồn, thu gom riêng biệt, và sau đó đưa đến nhà máy tái chế và xử lý để tạo ra các sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.

“Cùng xây dựng chương trình hợp tác dài hạn này với URENCO Hà Nội, Unilever đặt kỳ vọng sẽ tạo ra một mô hình điểm trong quản lý rác thải nhựa cho các đô thị Việt Nam, và sẵn sàng chia sẻ, nhân rộng mô hình này tại các khu vực, các tỉnh thành khác trong tương lai.” - Ông Đỗ Thái Vương - Phó Chủ tịch Phát triển bền vững và Đối ngoại Unilever Việt Nam cho biết.

Nguồn:

(*) Bộ Y tế, Viện sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường: http://nioeh.org.vn/tin-tuc/giam-thieu-chat-thai-nhua-huong-toi-thien-nhien