Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phản ứng của Mỹ và Israel đối với lệnh bắt Thủ tướng Netanyahu từ ICC

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thế giới chia rẽ về lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gallant của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

ICC ngày 21/11 công bố lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant. Ảnh: RT
ICC ngày 21/11 công bố lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant. Ảnh: RT

Ngay sau khi ICC ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, các quan chức châu Âu ngày 21/11 tuyên bố sẵn sàng tuân thủ quyết định này. Ngược lại, người đứng đầu Nhà Trắng cùng với các nhà lập pháp Mỹ ngay lập tức chỉ trích quyết định của ICC, đồng thời kêu gọi trừng phạt tòa án này.

Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, việc ICC phát lệnh bắt lãnh đạo Israel là "sự xúc phạm". Mỹ sẽ luôn sát cánh cùng Israel chống lại các mối đe dọa an ninh đối với đất nước này.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết, Washington bác bỏ quyết định của ICC, đồng thời rất quan ngại về việc công tố viên vội vàng xin lệnh bắt giữ cũng như những sai sót đáng lo ngại trong quy trình dẫn đến quyết định này.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Michael Waltz, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử làm Cố vấn an ninh quốc gia, cho biết: "Bạn có thể mong đợi một phản ứng mạnh mẽ đối với sự thiên vị chống chính quyền Do Thái của ICC và Liên hợp Quốc vào tháng 1 năm 2025".

ICC ngày 21/11 công bố lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, thủ lĩnh Hamas Mohammed Diab Ibrahim al-Masri (hay còn gọi là Mohammed Deif) "vì tội ác chiến tranh và tội chống lại loài người".

Hơn 120 nước thành viên đã ký kết với ICC có nghĩa vụ bắt giữ những cá nhân bị truy nã và giao họ cho tòa án ở La Haye. Tòa án không có quyền cưỡng chế mà phải tùy thuộc vào sự hợp tác của các quốc gia thành viên để bắt giữ và giao nộp nghi phạm.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) có lập trường khác Mỹ về lệnh bắt giữ các quan chức cấp cao của Israel. Cao ủy chính sách đối ngoại EU Josep Borrell gọi lệnh bắt giữ của ICC là phi chính trị, đồng thời cho biết các quốc gia thành viên nên tôn trọng và thực hiện.

"Việc thực hiện quyết định này là bắt buộc đối với tất cả các quốc gia ký kết Quy chế Rome, bao gồm tất cả các quốc gia thành viên EU"  -ông Borrell viết trên trang mạng xã hội X hôm 21/11.

Ngoại trưởng Hà Lan Caspar Veldkamp nói rằng nước này sẵn sàng tuân thủ lệnh bắt giữ của ICC, theo hãng tin ANP của Hà Lan. Thủ tướng Veldkamp dự kiến sẽ thăm Israel trong ngày 22/11.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 21/11, Thủ tướng Ireland Simon Harris cho hay nước này tôn trọng vai trò của ICC. “Bất kỳ ai, quốc gia nào có vị trí hỗ trợ tòa án này thực hiện công việc quan trọng của mình đều phải hành động ngay lập tức”, ông Harris cho biết, đồng thời kêu gọi các bên có liên quan "ngừng bắn ngay lập tức, thả tất cả các con tin và cung cấp quyền tiếp cận nhân đạo không bị cản trở tại Gaza".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Christophe Lemoine nói rằng  Paris sẽ thực hiện lệnh bắt giữ dựa theo các điều lệ của ICC. Tuy nhiên, ông không xác nhận liệu Pháp có bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel nếu họ đến Pháp hay không. "Đây là một vấn đề pháp lý phức tạp" – quan chức Pháp lưu ý.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani tuyên bố: "Chúng tôi ủng hộ ICC, nhưng tòa án cần phải đóng vai trò pháp lý chứ không phải vai trò chính trị. Chúng tôi sẽ cùng các đồng minh đánh giá xem cần làm gì và hiểu như thế nào về quyết định này".

Ngoại trưởng Thụy Điển và Na Uy đều bày tỏ sự tin tưởng vào ICC, song không nói rõ liệu họ có thực thi lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel nếu có cơ hội hay không.

Quyết định ban hành lệnh bắt giữ của ICC có nghĩa là 2 chính trị gia Israel này có nguy cơ bị bắt giữ tại bất kỳ quốc gia nào trong số 124 quốc gia là thành viên của tòa án này. ICC không có thẩm quyền để thi hành lệnh bắt giữ của mình, nhưng về mặt lý thuyết, bất kỳ quốc gia nào đã ký vào Quy chế Rome của tòa án này đều có nghĩa vụ bắt giữ ông Netanyahu hoặc ông Gallant.

Israel phản đối mạnh quyết định của ICC

Các quan chức Israel đã lên án lệnh bắt giữ và cáo buộc ICC có hành vi bài Do Thái. "ICC đã chọn phe khủng bố và tội ác thay vì dân chủ và tự do, và biến chính hệ thống tư pháp thành lá chắn sống cho tội ác chống lại loài người của Hamas", Tổng thống Israel Isaac Herzog viết trên mạng xã hội X hôm 21/11.

Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben Gvir chỉ trích ICC là "bài Do Thái từ đầu đến cuối" và thúc giục Israel đưa ra phản ứng, bao gồm các lệnh trừng phạt và sáp nhập Bờ Tây.

Chủ tịch Quốc hội Israel Amir Ohana cho rằng chỉ có lực lượng  Hamas mới thực sự phạm tội ác chống lại loài người trong cuộc xung đột này.

“ICC đã chính trị hóa nhiệm vụ của mình, biến cơ quan này thành công cụ của lực lượng khủng bố và những người muốn phủ nhận quyền tồn tại của Israel và bảo vệ công dân khỏi khủng bố diệt chủng” - tờ Times of Israel dẫn tuyên bố của Chủ tịch Ohana.

Israel không phải là một bên tham gia Quy chế Rome, hiệp ước thành lập ICC. Tuy nhiên, quyết định ban hành lệnh bắt giữ của ICC có nghĩa là Thủ tướng Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gallant có nguy cơ bị bắt giữ tại bất kỳ quốc gia nào trong số 124 quốc gia là thành viên của tòa án này. 

ICC không có thẩm quyền để thi hành lệnh bắt giữ của mình, nhưng về mặt lý thuyết, bất kỳ quốc gia nào đã ký vào Quy chế Rome của tòa án này đều có nghĩa vụ bắt giữ ông Netanyahu hoặc ông Gallant.

Xung đột Israel - Hamas nổ ra từ tháng 10/2023 khi Hamas bất ngờ bắn hàng nghìn rocket về phía Israel và bắt giữ hơn 200 con tin từ Israel đưa sang Dải Gaza. Israel ngay lập tức mở chiến dịch quân sự để đáp trả. Giao tranh hơn 1 năm qua khiến hơn 40.000 người ở Dải Gaza thiệt mạng.