Phản ứng của Nga trước khả năng Israel cung cấp tên lửa cho Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khác với người tiền nhiệm, Thủ tướng mới của Israel Benjamin Netanyahu không loại trừ khả năng gửi hệ thống phòng thủ tên lửa cho Kiev, động thái có thể chọc giận Moscow.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Tass
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Tass

Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo, bất cứ khí tài nào của nước ngoài chuyển đến Ukraine đều trở thành mục tiêu tấn công chính đáng của Nga.

“Tất cả các quốc gia cung cấp vũ khí (cho Ukraine) nên hiểu rằng chúng sẽ là mục tiêu tấn công hợp pháp của các lực lượng vũ trang Nga”- Tass dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tại cuộc họp báo hôm 1/2.

Bà Zakharova nhấn mạnh: “Bất kỳ nỗ lực cung cấp vũ khí nào dù được thực hiện hoặc thậm chí chỉ là thông báo cũng sẽ khiến cuộc khủng hoảng leo thang. Mọi người nên nhận thức rõ việc này”.

Cảnh báo trên được Moscow đưa ra sau khi truyền thông Nga đưa tin chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang cân nhắc khả năng viện trợ các hệ thống lá chắn Vòm Sắt (Iron Dome) cho Ukraine.

Israel có ý định gửi hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt cho Ukraine. Ảnh: AFP
Israel có ý định gửi hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt cho Ukraine. Ảnh: AFP

Ông Netanyahu, người vừa trở lại làm Thủ tướng Israel, để ngỏ khả năng trên trong bài nói chuyện với kênh CNN vào ngày 31/1. Cũng trong cuộc phỏng vấn, nhà lãnh đạo Israel cũng tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải xung đột Nga-Ukraine.

Trước đây, sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát, ông Netanyahu từng đề nghị được đóng vai trò trung gian hòa giải không chính thức, nhưng chưa làm được vì khi đó còn ở phe đối lập tại Israel.

Hồi tháng 10/2022, chính quyền tiền nhiệm ở Israel đã từ chối yêu cầu có được hệ thống Vòm Sắt của Ukraine. Tới tháng 11/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz giải thích rằng Israel không có “cơ sở sản xuất đủ lớn” để đáp ứng yêu cầu của Ukraine. Một cố vấn quân sự cấp cao cho biết Israel không muốn “chọc giận” Nga, quốc gia đang có sự hiện diện quân sự quy mô lớn ở Syria.

Vòm Sắt là một hệ thống phòng không tầm ngắn mà Israel đã sử dụng để chống lại các tên lửa của Phong trào Hezbollah và Phong trào Hamas.

Đến nay, Israel vẫn không viện trợ vũ khí trực tiếp cho Ukraine nhằm tránh gây căng thẳng với Nga, nước đang gần như kiểm soát vùng trời Syria và được cho là đã làm ngơ trước các cuộc không kích của Israel nhắm vào các mục tiêu của Iran tại đây.

Hồi tháng 3/2022, Thủ tướng Israel khi đó là ông Naftali Bennett bất ngờ đến Moscow để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Bennett sau đó chuyển thông điệp của ông Putin cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhưng không thành công trong việc tổ chức một cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai lãnh đạo.

Cũng trong ngày 1/2, Điện Kremlin tuyên bố, bất kỳ vũ khí tầm xa nào được phương Tây cấp cho Ukraine đều không thể thay đổi mục tiêu của Nga trong chiến dịch quân sự.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, nhiệm vụ chính của Nga hiện tại là tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt và quan trọng nhất là "hoàn thành các nhiệm vụ do lãnh đạo đặt ra".