KTĐT - Chính sách giờ làm 30 tiếng được chính phủ Pháp áp dụng từ năm 2000, sau khi buộc giới doanh nghiệp cắt bớt 5 tiếng mỗi tuần.
Stress là nguyên nhân khiến hàng chục nhân viên công ty viễn thông lớn thứ ba nước Pháp tự kết liễu đời mình. Hôm qua, ngay cả CEO của hãng cũng phải tuyên bố từ chức vì áp lực.
Kể từ tháng 1/2008 đến nay, đã có 34 nhân viên của France Telecom tự tử. Theo hiệp hội công đoàn, những người này tự kết thúc cuộc sống do không chịu nổi áp lực công việc.
Hôm 15/9 vừa rồi, 4 ngày sau vụ nữ nhân viên 32 tuổi Stephanie nhảy lầu từ cửa sổ văn phòng, chính quyền của Thủ tướng Pháp Nicolas Sarkozy quyết định vào cuộc. Bộ trưởng Lao động Xavier Darcos đã yêu cầu CEO của France Telecom, ông Didier Lombard bàn bạc với hiệp hội công đoàn để tìm cách giảm stress cho nhân viên, ngăn chặn các hiểm họa tiềm tăng gây ý muốn tự tử.
Làn sóng tự tử không chỉ xảy ra ở France Telecom. Chỉ trong vòng 4 tháng từ cuối 2006 đến đầu 2007, có 3 nhân viên tại trung tâm phát triển kỹ thuật của nhà máy sản xuất xe hơi Renault SA tự kết liễu đời mình. Trong năm 2008, có tới 12 vụ tự tử liên quan đến áp lực công việc trong giới ngân hàng Pháp. Năm 2008, khu vực kinh tế tư nhân ghi nhận 49 trường hợp tự tử do nguyên nhân công việc, theo số liệu của cơ quan bảo hiểm. Dominique Huez, một bác sĩ chuyên nghiên cứu các bệnh của giới văn phòng cho biết con số thực có thể lên tới 3.000, chiếm 30% trong tổng số vụ tự tử của năm 2007 tại Pháp. Tỷ lệ tự tử tại nước này 17,6 trên mỗi 100.000 người (theo số liệu năm 2005), cao thứ 3 trong nhóm G8 sau Nga và Nhật.
Tuy nhiên, điều đáng nói là số vụ tự tử tại France Telecom cao hơn bất kỳ công ty Pháp nào khác trong những năm gần đây. Những vụ tự tử đau lòng này đã dấy lên làn sóng hoang mang trong dư luận, khiến họ lo lắng về môi trường làm việc bất ổn tại các công sở và nhà máy nước này.
Tại Pháp, thời gian làm việc mỗi tuần là 30 tiếng và công nhân viên được nghỉ một tháng vào mùa hè. Theo các chuyên gia tâm lý, văn hóa làm việc theo phong cách quản lý từ xa, khách quan của Pháp tạo ra không khí căng thẳng, dễ tạo mâu thuẫn. Môi trường làm việc này có nguy cơ gây các chứng bệnh tâm lý cho nhân viên.
Chính sách giờ làm 30 tiếng được chính phủ Pháp áp dụng từ năm 2000, sau khi buộc giới doanh nghiệp cắt bớt 5 tiếng mỗi tuần. Tuy nhiên, việc cắt giảm thời gian chỉ càng khiến nhân viên căng thẳng thêm. Các ông chủ ra sức dồn ép người làm nhận thêm đầu việc để bù lại 5 tiếng đồng hồ đã mất và đạt được mục tiêu kinh tế.
Bênh cạnh đó, kể cả khi đã cắt giảm giờ làm, Pháp vẫn được Tổ chức OECD xếp là nước có năng suất làm việc mỗi giờ đồng hồ cao nhất trong các nền kinh tế lớn của châu Âu. Nếu lấy năng suất làm việc mỗi giờ của Mỹ là chuẩn với 100 điểm, Pháp đạt 98,2 điểm, so với con số 92,8 điểm của Đức, 83,1 điểm của Anh và 73 điểm của Italy.
Còn tại France Telecom, các nhà nghiên cứu cho rằng sự kết hợp của tính cạnh tranh toàn cầu và các quy định việc làm của Pháp khiến văn hóa công sở càng trở nên khắc nghiệt hơn. Theo khảo sát do chính France Telecom thực hiện, cứ 4 nhân viên tại Pháp thì có một người cho biết họ bị tổn thương về mặt tâm thần.
Đến hôm qua, CEO kiêm Chủ tịch của France Telecom, ông Didier Lombard thừa nhận rằng ngay cả ông cũng đang chìm trong áp lực công việc. Theo tuyên bố mới nhất, đến ngày 24/2 tới, ông Didier Lombard sẽ chỉ đảm nhiệm chức Chủ tịch. Chiếc ghế CEO sẽ nhường lại cho cấp phó hiện nay của ông là Stephane Richard. Đáng lẽ theo đúng lịch trình, Lombard sẽ về hưu vào tháng 5/2011.
CEO 67 tuổi Lombard là nhân vật kỳ cựu trong làng viễn thông Pháp. Chính ông là người đã có công cứu France Telecom thoát khỏi bờ vực phá sản hồi 2002. Tuy nhiên, gần đây ông chịu áp lực lớn từ phía dư luận cùng Chính phủ Pháp sau hàng loạt scandal nhân viên tự tử. Trước báo giới hôm qua, ông Lombard từ chối bình luận về nguyên nhân của các vụ tự tử, đồng thời tuyên bố sẽ đưa ra một chương trình làm việc thân thiện hơn trong năm nay.