Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là nội dung mới của BLHS năm 2015 và để bảo đảm sự thận trọng cũng như khả thi, BLHS năm 2015 chỉ tập trung xây dựng một số chính sách hình sự lớn đối với pháp nhân thương mại tại Chương XI như: Nguyên tắc áp dụng, điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân, các hình phạt, biện pháp tư pháp, căn cứ quyết định hình phạt... Tuy nhiên, liên quan đến quy định quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội; về xóa án tích trong trường hợp pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn…, theo Bộ Tư pháp, BLHS năm 2015 chưa bao quát hết được các trường hợp có thể xảy ra trong thực tế. Hơn nữa, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân, thống nhất áp dụng trong thực tiễn, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số chế định liên quan đến pháp nhân.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ Công ty CP Cộng Đồng Việt chiếm đoạt 335 tỷ đồng dưới hình thức kinh doanh đa cấp tháng 7 vừa qua. |
Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung thêm khoản 2 Điều 9 quy định về phân loại tội phạm. Theo quy định này, cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào loại tội do cá nhân thực hiện để xác định thẩm quyền xử lý vụ án hình sự do pháp nhân thực hiện tội phạm. Sửa đổi Điều 17 về chế định đồng phạm, theo hướng bổ sung quy định về đồng phạm là pháp nhân: “1. Đồng phạm là trường hợp có hai người hoặc hai pháp nhân thương mại trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm; “2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người hoặc những pháp nhân thương mại cùng thực hiện tội phạm”; “3. Người đồng phạm là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại tham gia thực hiện tội phạm với vai trò là người tổ chức, người thực hành, người xúi giục hoặc người giúp sức.
Dự thảo cũng sửa đổi Điều 27 BLHS năm 2015 về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo hướng bổ sung quy định đối với pháp nhân. Theo đó thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân được quy định với thời hạn cũng tương tự như đối với cá nhân: 5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Nếu trong thời hạn này, pháp nhân thương mại phạm tội cố tình trốn tránh, cản trở việc truy cứu trách nhiệm hình sự thì thời hiệu được tính lại kể từ khi chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 86 BLHS năm 2015 theo hướng bổ sung cho đầy đủ hơn các trường hợp quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội: Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là phạt tiền hoặc cùng là đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với cùng lĩnh vực thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 3 năm đối với hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn; nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn cùng lĩnh vực thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với lĩnh vực đó; nếu hình phạt đã tuyên cùng là đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc cùng là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với các lĩnh vực khác nhau thì không tổng hợp.
Cũng theo Bộ Tư pháp, trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội là vấn đề mới, chưa được áp dụng trên thực tế, nên trước mắt, BLHS chưa cần thiết phải đặt vấn đề áp dụng chế định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi Điều 85 của BLHS về các tính tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại theo hướng loại bỏ tình tiết này.
Ngoài ra, để phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng, một số vấn đề khác cũng được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo lần này.